Nhu cầu thép tăng do thị trường bất động sản ấm lên. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều doanh nghiệp lãi lớn
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường thép 6 tháng đầu năm 2016 có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2015, trong đó sản xuất tăng 27,8% và bán hàng tăng 24,8%.
Tình hình hoạt động kinh doanh của DN ngành thép tương đối tích cực. Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) thông báo, 6 tháng đầu năm 2016, DN này đạt 1.902 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đột biến tăng 22 lần, lên 261 tỷ đồng. Công ty CP Thép Dana Ý (DNY) báo lãi 13,5 tỷ đồng sau thuế trong quý II, gần gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II/2016, Công ty CP Hòa Phát lãi đột biến lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, nâng lợi nhuận sau thuế 2 quý đầu năm lên hơn 3.000 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất trong lịch sử của Hòa Phát…
Ông Dũng cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều DN thép cũng tích cực xuất khẩu, trong đó có những DN xuất khẩu từ 30 - 40% sản phẩm của mình.
Để đạt được những kết quả tích cực này, ông Dũng cho rằng, trong những năm qua, các DN ngành thép đã có ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc thực hiện đầu tư mở rộng và đầu tư theo chiều sâu; tích cực quảng bá thương hiệu. Từ đó, năng lực cạnh tranh của các DN, nhất là các DN lớn, đã được nâng lên đáng kể. Hơn nữa, trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước đang tăng lên do kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, thị trường bất động sản ấm lại… Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, góp chung vào kết quả này được ông Dũng nhấn mạnh là các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước nhằm hạn chế thép giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam.
Tín hiệu khả quan
Trong khi đó, người đứng đầu Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, đối với thị trường tiêu thụ thép của Việt Nam, do bắt đầu vào mùa mưa nên mức độ tiêu thụ thép đang chững lại, song từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thép sẽ tiếp tục khả quan. “Nếu những biện pháp bảo vệ sản xuất thép trong nước tiếp tục được thực hiện, ngăn ngừa thép giá rẻ kém chất lượng tràn vào thì tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ của ngành thép có thể sẽ tốt hơn” – ông Dũng nhận định.
Trước những lợi thế và cơ hội của ngành thép trong thời gian tới, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, DN ngành thép cần tiếp tục tập trung đầu tư theo chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. “Chỉ phát triển theo cách này, DN ngành thép Việt Nam mới có thể lớn mạnh, tham gia sâu vào thị trường quốc tế” – ông Dũng nhấn mạnh.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng ghi nhận, tới thời điểm này, trên thị trường thép hiện không có DN nào chiếm vị trí “thống lĩnh” thị trường (từ 30% thị phần trở lên). Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 DN lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 25% thị phần) và hàng trăm DN nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần. Đối với sản phẩm thép dài, trên thị trường có 21 DN lớn với thị phần chiếm gần 93% (trong đó lớn nhất là Hoà Phát, chiếm gần 20% thị phần) và hàng chục DN nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 7% thị phần.