Nhà báo Trần Mai Hưởng, tác giả bức ảnh lịch sử ấy chia sẻ, cho đến bây giờ, ký ức ông vẫn vẹn nguyên và sống động những trận đánh cuối cùng, những sự hy sinh cuối cùng cho ngày giải phóng Sài Gòn. Ông nhớ, thời khắc chạm chân đến cổng Dinh Độc Lập, một nhà báo Đức đã tung máy ảnh lên trời và nói: “Thật tuyệt vời, chúng tôi đã chờ khoảnh khắc này lâu rồi. Khoảnh khắc không thể nào quên…”.
![]() |
Bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975” được ghi nhận như một biểu tượng về “Ngày chiến thắng” của nhân dân Việt Nam |
![]() |
“Mùa Xuân năm 1975 là mùa Xuân rất đặc biệt, mùa Xuân của khao khát hòa bình, thống nhất, sum họp. Mùa Xuân đó, chúng tôi là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng tác nghiệp ở mặt trận giải phóng Huế, giải phóng Đà Nẵng, rồi theo bước chân thần tốc của các chiến sỹ đi dọc miền Trung đến cửa ngõ Sài Gòn. Nhóm phóng viên mũi nhọn của Thông tấn xã được hành quân theo mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 (gồm Lữ đoàn thiết giáp 203 và Sư đoàn 304) tiến sâu vào trung tâm Thành phố”, nhà báo Trần Mai Hưởng kể. Dọc đường hành quân, người phóng viên trẻ Trần Mai Hưởng cố gắng làm hết khả năng để có những bức ảnh chân thực nhất, sinh động nhất. Trong những thước phim cuối cùng của ông có bức ảnh chiếc xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập. Đây là một trong những bức ảnh ông ưng ý nhất khi không chỉ có xe tăng mà còn có những người lính bộ binh cùng hành tiến. Lá cờ tung bay trên tháp pháo với nắng gió chan hòa ngày 30/4 ghi dấu một trận đánh hiệp đồng binh chủng cho giải phóng hoàn toàn.
Bức ảnh của phóng viên Trần Mai Hưởng sau này được ghi nhận như một biểu tượng về “Ngày chiến thắng” của nhân dân Việt Nam.
![]() |
Năm 1968, nước ta không tổ chức thi đại học vì chiến sự quá ác liệt. Năm đó, Trần Mai Hưởng 16 tuổi, vừa học hết lớp 10.
Một ngày, ông nhận được giấy báo vào Đại học Thể dục - Thể thao, cũng là lúc gia đình ông nhận được một bức thư từ bác Xuân Trình, người phụ trách công tác đào tạo của Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, thông báo có lớp phóng viên khóa 8 sắp mở. Nếu có nguyện vọng, Trần Mai Hưởng có thể theo học. Bức thư đến với gia đình ông do 1 năm trước, anh ruột của Trần Mai Hưởng là nhà báo Trần Mai Hạnh, trước khi đi vào chiến trường Quảng Đà đã trình bày nguyện vọng với Cơ quan, nếu cậu em của mình muốn theo nghề báo thì Cơ quan xem xét cho Trần Mai Hưởng theo học lớp đào tạo phóng viên.
Đứng trước hai sự lựa chọn, chàng trai trẻ không ngần ngại chọn học lớp phóng viên, vì cảm thấy nghề báo là nghề thú vị, được đến nhiều nơi, được chạm vào thực tiễn và được viết theo cảm nhận của riêng mình.
![]() |
Là người trẻ nhất lớp thời đó, ông nhớ về những người thày đầu tiên khai mở tư duy cho mình như thầy Nguyễn Mạnh Hào dạy về thông tấn, báo chí, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn giảng về ngôn ngữ, nhà kinh tế Nguyễn Việt Châu, Vũ Thị Thanh (vợ nhà thơ Tố Hữu) dạy về kinh tế… với sự kính trọng. Ra trường, Trần Mai Hưởng được phân công thường trú tại Hà Tây, có nhiệm vụ tìm hiểu, phản ánh đời sống nhân dân, các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất với các thể tài tin, ảnh, phóng sự, ghi chép…
Năm 1971, ông có lần về Cơ quan, gặp nhà báo Đỗ Phượng - Phó Tổng biên tập Thông tấn xã. Ông được nhận lời đánh giá từ người lãnh đạo: “Cậu viết được” như một sự động viên, giúp chàng trai trẻ tự tin trên chặng đường sắp tới. Đầu năm 1972, Trần Mai Hưởng chính thức được cử vào mặt trận Quảng Trị, làm việc tại Phân xã B Vĩnh Linh. Nhiệm vụ chính của Phân xã là viết về phong trào nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân, cùng với bộ đội địa phương, phối hợp bộ đội chủ lực trong chiến dịch tổng tiến công giải phóng tại mặt trận Quảng Trị. Một lực lượng phóng viên khác đi theo Bộ Chỉ huy Mặt trận B5 viết về các mũi tiến công của bộ đội chủ lực.
Cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ thời chiến, nhiều bài viết nóng hổi tính thời sự như Cam Lộ trong niềm vui giải phóng, Lòng dân Cửa Việt, Bích La Đông giải phóng, Sức sống vành đai… được Trần Mai Hưởng gửi ra Hà Nội. Không chỉ viết báo, ông còn làm thơ, viết ký sự, truyện ngắn. Ngay từ thời trẻ, bút lực của Trần Mai Hưởng đã được khẳng định qua những tác phẩm như: “Giếng nước dưới địa đạo”, “Mẹ Tư”, “Đôi mắt mặt trận”… Sau này, nhà thơ Bằng Việt, trong một bài viết về Trần Mai Hưởng đã nhận xét, bút pháp của Trần Mai Hưởng rất đa dạng, nhưng luôn trung thành với tiêu chí phải phát hiện ra được khía cạnh tâm trạng thật sâu kín và tinh tế, có những nét khác biệt khiến ta phải nhớ về...
![]() |
Trong căn phòng giản dị thuộc Khu tập thể Đại học Bách khoa, nhà báo Trần Mai Hưởng kể cho chúng tôi nghe những gian lao và hạnh phúc nghề báo bằng sự điềm đạm của một người từng vào sinh ra tử, chứng kiến nhiều hy sinh, mất mát thời chiến. Gian khổ khiến câu chuyện về chiến tranh, về những vùng đất, nhất là về các đồng nghiệp không chút mờ phai sau hơn 50 năm. Tôi cứ ngạc nhiên mãi khi đọc bài viết “Ký ức về phóng viên chiến trường” của Trần Mai Hưởng đăng trong cuốn Kỷ yếu 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Ông kể câu chuyện như mới ngày hôm qua, đồng đội của ông bất chấp hiểm nguy, tay bút, tay máy, tay súng, chép sử bằng máu trong lửa đạn. Riêng cơ quan Thông tấn có 260 nhà báo - chiến sỹ đã hy sinh.
Tôi tò mò muốn hiểu, trong gian khổ như thế, điều gì khiến ông say nghề? Ông cười bảo, anh em phóng viên thời đó ai cũng say nghề, rất bình thường và tự nhiên như sứ mệnh. Với cá nhân ông, từ nhỏ đã yêu thích văn chương, đọc nhiều truyện ngắn, nên tình yêu với cuộc sống và chất lãng mạn của một thế hệ thanh niên cách mạng như ngấm vào mình. Viết được một tác phẩm hay, ghi được một bức ảnh đẹp là thêm một niềm hạnh phúc, dù đôi lúc niềm hạnh phúc chen lẫn những niềm đau…
Thi thoảng ông nhận được món quà từ các du kích hay gia đình người thân thời chiến. Lúc thì bao gạo, lúc thì khoai môn Vĩnh Linh, gửi ra Hà Nội. Những món quà chuyên chở tình quê, quý hơn tất cả, cứ nhắc nhớ bao kỷ niệm thời hoa lửa.
![]() |
3 em bé sinh ra trong địa đạo Vịnh Mốc khi 11 tuổi |
Kể về những tác phẩm ảnh của mình, cùng với bức ảnh xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập, nhà báo Trần Mai Hưởng nhắc nhiều đến bức ảnh chụp liệt sĩ Thu Hồng - nữ du kích xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Bức ảnh đặc tả chị chăm chú ngắm bắn, vành mũ tai bèo thấp xuống, ánh nắng hắt lên khuôn mặt sáng trong, đẹp đẽ. Thu Hồng chưa đầy 20 tuổi, là con gái một lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, đã hy sinh ngay ngày đầu chiến dịch. Chị để lại 2 cuốn nhật ký với dòng mở đầu: “Ba má ơi, Tổ quốc gọi con. Con nguyện đi theo con đường ba má đang đi”. Bức ảnh nữ du kích xã Gio Mỹ ấy trở thành một biểu tượng cho lòng dũng cảm và niềm tin sắt đá của thế hệ trẻ trong gian khó ác liệt của chiến tranh.
Ông cũng chia sẻ về bức ảnh 3 em bé sinh ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc năm 1972 như một kỷ niệm đẹp nữa của nghề nghiệp. Bom đạn không ngừng giáng xuống, nhưng trong lòng đất cuộc sống vẫn nảy nở, tiếng trẻ thơ vẫn vang lên… Năm 1983, khi trở lại Vĩnh Linh, Trần Mai Hưởng đã ghi lại hình ảnh 3 em bé được ra đời trong lòng địa đạo, lúc đó vừa 11 tuổi. Bức ảnh nhắc nhở thế hệ sau về giá trị của sự sống và hòa bình.
Năm 1972, ông viết tác phẩm “Giếng nước dưới địa đạo”, có đoạn:
Bom Mỹ không ngừng dội xuống đêm đêm
Pháo biển cày từng vuông cát nhỏ
Địa đạo bình yên trong lòng đất mẹ
Có tiếng cười mặt giếng khẽ rung rinh…
![]() |
Bức ảnh “Đường lên điểm tựa” của nhà báo Trần Mai Hưởng chụp năm 1984, khi chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra gay go, ác liệt |
![]() |
Cuối năm 1978, Trần Mai Hưởng là Tổ trưởng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam theo các chiến sĩ Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) tham gia chiến dịch giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pot Pot, xây dựng cuộc sống mới. Ông và các đồng nghiệp có mặt ở thủ đô Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979 và sau đó, ông ở lại Campuchia giúp nước bạn đến cuối năm 1980. Ông đã đi đến nhiều vùng đất Campuchia trong thời kỳ rất khó khăn ác liệt, phản ánh trung thực, sống động về công cuộc hồi sinh đất nước Campuchia với sự giúp đỡ vô tư, nghĩa tình của quân tình nguyện Việt Nam.
![]() |
Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ câu chuyện về các bức ảnh thời chiến tranh. Ảnh: Hoài Nam |
Trong những năm 1983-1984, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn còn gay go, ác liệt, Trần Mai Hưởng tiếp tục có mặt tại các điểm nóng Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… Là phóng viên chiến trường dày dạn, ông tiếp tục viết bài, chụp ảnh về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Để có bức ảnh “Đường lên điểm tựa” đủ rộng, đủ bao quát, ông chọn đứng trên ngọn điểm cao quan sát và bấm máy, dù phải đối mặt với nguy hiểm trong tầm bắn của đối phương.
Năng lượng nào khiến ông đi nhiều, làm nhiều và yêu nghề đến thế? Tôi hỏi và ông lại cười rồi bảo: “Tôi thích đọc, thích học và nghề báo hay ở chỗ làm gì cũng phải mới, sáng tạo. Mỗi bài báo là quá trình làm lại từ đầu một tác phẩm, nên nghề báo khác tất cả các nghề ở chỗ phải học tập suốt đời để viết cho đúng, cho mới và có chất riêng, không ai dạy được mình”.
Ông kể tiếp, hồi học lớp phóng viên khóa 8, thầy Nguyễn Mạnh Hào bảo: “Người phóng viên là người có quan điểm đúng trên tất cả các vấn đề”. Lần khác, khi được gặp Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu, ông vẫn nhớ Bộ trưởng nói: “Suy cho cùng mọi quá trình đào tạo đều phải thành quá trình tự đào tạo thì mới có giá trị”. Người phóng viên có thể học đây học đó, nhưng kiến thức phải ngấm vào đầu mới hiểu và viết được. “Trong nghề viết, có khi chỉ cần một từ là người ta biết anh có nghề hay không có nghề”, Trần Mai Hưởng nói.
Từng xuất bản các tác phẩm bút ký, truyện ngắn, thơ ca, nhưng Trần Mai Hưởng luôn nói với bạn bè rằng: “Tôi chỉ là một nhà báo có làm thơ”. Nghề báo ngấm vào ông như duyên phận. Với ông, cái duyên ấy không chỉ là điểm khởi đầu cho một sự nghiệp, mà là mối ràng buộc tự nguyện giữa một con người và một sứ mệnh - sứ mệnh ghi lại bằng sự thật, bằng lòng tin và bằng trách nhiệm với nhân dân.
![]() |
Hiểu vì sao ông say nghề đến thế, tôi xoay sang một câu hỏi khác: Bài toán kinh tế báo chí được giải như thế nào trong thời chiến và thời bình?
Ông trầm ngâm vài phút rồi bảo, kinh tế báo chí là vấn đề lớn, càng ngày càng lớn. Trong chiến tranh, báo chí sống bằng ngân sách nhà nước như các cơ quan khác, động lực làm nghề chỉ có tình yêu đất nước và khát vọng giải phóng. Nhưng thời bình, người làm báo phải có đời sống tốt để hoạt động tốt hơn.
Hơn 10 năm làm Tổng biên tập Vietnam News, Trần Mai Hưởng tiếp tục ghi dấu son sáng tạo trong công tác quản trị Tòa soạn khi đề nghị Cơ quan chủ quản và Bộ Tài chính cho Vietnam News được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính để tự làm, tự trang trải bằng nguồn thu từ khai thác thị trường quảng cáo. Từ đây, Vietnam News trở thành một trong số ít tờ báo làm tốt nhiệm vụ của mình, nuôi dưỡng tốt đội ngũ làm nghề. Trên các khoang hạng nhất của Vietnam Airlines thời đó luôn có ấn phẩm Vietnam News - tờ báo nóng những dòng tin, đồng thời là nơi gặp gỡ của các nhu cầu, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dưới sự điều hành của “thuyền trưởng” Trần Mai Hưởng, Vietnam News là tờ báo rất hiệu quả trong Cơ quan Thông tấn xã, không tiêu tiền nhà nước mà ngược lại, mỗi năm đóng góp nhiều tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách.
![]() |
Nữ du kích Thu Hồng mãi mãi tuổi 20 - người con gái để lại dòng nhật ký “Ba má ơi, Tổ quốc gọi tên con...” |
Khi được giao nhiệm vụ Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, kinh tế báo chí tiếp tục là bài toán lớn trên vai Trần Mai Hưởng. Ông kể, Thông tấn có rất nhiều bộ phận, nhiều ban biên tập với hàng chục tờ báo, các trung tâm truyền hình, báo in, báo ảnh… Để phát triển trong bối cảnh đa dạng như vậy, ông cùng Ban lãnh đạo đã thống nhất xin Chính phủ một cơ chế tài chính chung cho ngành và được Thủ tướng cho thí điểm cơ chế đặc thù. Theo đó, tất cả nguồn thu Cơ quan tạo ra được giữ lại để tái đầu tư, phát triển hoạt động ngành thông tấn, nhằm nâng cao chất lượng thông tin, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên. Ngoài cơ chế chung, ông chỉ đạo xây dựng cơ chế tự chủ riêng cho từng đơn vị, từng ấn phẩm, tạo động lực thực chất để từng đơn vị làm tốt nhiệm vụ thông tin vì sự phát triển của đất nước, luôn hướng tới những giá trị đẹp, đồng thời cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên bằng những nguồn thu lành mạnh, chân chính.
![]() |
Má Bảy Hương (mẹ chị Sứ) bên mộ Chị. Bức ảnh năm 1983, khi nhà báo Trần Mai Hưởng trở lại Hòn Đất |
Ông bảo, thời chiến, vì sự nghiệp bảo vệ đất nước, không ai đặt vấn đề quyền lợi cá nhân, vì chẳng có quyền lợi cá nhân nào đổi được việc đi vào nơi bom đạn, hy sinh. Nhưng thời bình thì khác. Người làm quản lý không thể nói lòng yêu nước chung chung, mà cùng với nhiệt tình, trách nhiệm, cần phải dựa trên quyền lợi để tạo ra động lực cho những người lao động trong tổ chức của mình. Người lao động phải có đời sống tốt thì đơn vị mới phát triển được. Ông ngấm tư duy “tạo động lực” từ một lời dạy của V.I. Lê Nin: Không phải bằng nhiệt tình, mà từ nhiệt tình do cuộc cách mạng tạo ra dựa trên quyền lợi cá nhân và chế độ hạch toán, bắc những nhịp cầu đưa một đất nước tiểu nông tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Để chúng tôi dễ hiểu hơn, ông nhắc đến ý kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn: Làm tốt để sống tốt. Sống tốt để làm tốt hơn!
“Chân lý là đơn giản là như vậy”, ông nói.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu