Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Nghị quyết thể hiện sự đột phá
Nghị quyết 35 được đánh giá là văn bản thể hiện sự đột phá về hỗ trợ và phát triển DN nhằm khắc phục 4 thách thức, rào cản cơ bản của DN Việt Nam là: Hạn chế về công nghệ và khả năng cạnh tranh trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong bối cảnh hội nhập; Khó khăn và chưa thực sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực (vốn, công nghệ, lao động), đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động; Tính gắn kết của DN Việt Nam chưa cao.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này, TTNC BIDV đề xuất, cần tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện cải cách hành chính và tăng cường giám sát từ các cơ quan thanh tra giám sát; các Bộ, ngành xây dựng đề án/phương án định lượng về cải cách hành chính như giảm tiếp bao nhiêu % số thủ tục hành chính, số ngày giờ. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất đổi mới quy trình ban hành văn bản dưới Luật theo hướng cụ thể hơn và hạn chế tối đa sự chồng chéo.
Liên quan đến mô hình tách bạch giữa chức năng quản lý, giám sát và chức năng sở hữu, TTNC BIDV cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong việc đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng sở hữu tại các DNNN đồng thời sớm trở thành một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ.
Khơi thông dòng vốn tín dụng
Để khơi thông dòng vốn tín dụng cho DN và nền kinh tế, TTNC BIDV đề xuất NHNN cần sớm triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc giảm lãi suất. Điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc về mức 1%; điều chỉnh giảm tỷ lệ dữ trữ thanh khoản (theo Thông tư 36) từ mức ≤ 10% về mức ≤ 8%. Theo ước tính của TTNC BIDV, kế hoạch này nếu được thực hiện có thể tăng tín dụng cho nền kinh tế thêm khoảng 100.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất bao gồm cả cho vay cầm cố trái phiếu VAMC nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn; sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định và cơ chế vận hành thị trường mua bán nợ, cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể tham gia mua bán nợ.
TTNC BIDV cũng đề xuất Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện về pháp lý cho thành lập tổ chức định mức tín nhiệm, tổ chức xếp hạng trong nước; quy chế thành lập và hoạt động Trung tâm thông tin DN nhằm khuyến khích các DN phát hành trái phiếu chủ động; NHNN phối hợp với Bộ Tài chính sớm vận hành thị trường chứng khoán phái sinh trong năm 2016 nhằm tạo công cụ, môi trường cho các DN quản lý rủi ro tỷ giá, lãi suất. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ vốn hóa của thị trường chứng khoán (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) tương đương 80-100% GDP.
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Đánh giá cao việc coi DN là trung tâm phát triển của Nghị quyết 35, TTNC BIDV cho rằng, cần tạo sức mạnh hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo. Theo đó, bên cạnh sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương, VCCI, các DN lớn, mạnh, có tiềm lực tài chính cần có sự chủ động tham gia tích cực tư vấn, hỗ trợ tài chính đối với các chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và DN vừa và nhỏ.
Các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, nhất là năng lực tài chính, quản trị, đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; hoạt động minh bạch (có kiểm toán) tiếp cận các thông lệ quốc tế; chủ động tăng liên kết, hợp tác giữa các DN trong nước với nhau và với DN FDI nhằm tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động bậc cao, thu hút chuyên gia nước ngoài, đa dạng hóa phương thức kinh doanh (nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử); tăng cường vai trò của các hiệp hội nông dân, hiệp hội kinh doanh, hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm.