Nguy cơ thiếu thuốc cục bộ quay trở lại?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ nay đến tháng 7 - 8/2024, đa phần hợp đồng cung ứng thuốc hết hiệu lực, một số gói thầu thuốc, hóa chất xét nghiệm không có nhà thầu tham dự, trong khi việc triển khai mua sắm mới cần có thời gian. Do đó, trong tháng 7 - 8/2024, khó tránh khỏi nguy cơ thiếu một số thuốc, hóa chất xét nghiệm tại Bệnh viện. Tình trạng này cũng xảy ra tại một số đơn vị, địa phương khác.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện một số thuốc đã sử dụng hết mà Bệnh viện không có thuốc thay thế, hoặc lượng tồn kho chỉ đủ sử dụng cho 1 tháng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện một số thuốc đã sử dụng hết mà Bệnh viện không có thuốc thay thế, hoặc lượng tồn kho chỉ đủ sử dụng cho 1 tháng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện một số thuốc đã sử dụng hết mà Bệnh viện không có thuốc thay thế, hoặc lượng tồn kho chỉ đủ sử dụng cho 1 tháng như Meropenem, Tranexamic acid, Egilok 50mg, Betaloc 50mg… Một số thuốc không lựa chọn được nhà thầu cung ứng, không có thuốc thay thế như Albumin, Alprostapint… Ngoài ra, có một số thuốc trúng thầu nhưng nhà thầu không cung ứng được.

Không chỉ riêng với thuốc, Bệnh viện cũng đang gặp khó khăn với một số hóa chất xét nghiệm. Bệnh viện hiện còn hóa chất định nhóm máu tự động đủ dùng trong khoảng 4 tháng mà không có hóa chất thay thế. Trước đó, vào tháng 2/2024, Bệnh viện đã tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT) nhưng không có nhà thầu tham dự. Tương tự, hóa chất cho bảo quản mô cũng chỉ đủ dùng khoảng 2 tháng, nhiều lần tổ chức LCNT nhưng không có nhà thầu tham dự...

Thực tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã gửi nhu cầu mua sắm một số thuốc thuộc danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp địa phương qua Sở Y tế TP. Hà Nội (do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội mời thầu), nhưng không lựa chọn được nhà thầu như Albumin 20% - 50ml, Tranexamic axid.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng gặp khó khăn khi liên tục đấu thầu nhiều lần nhưng vẫn không mua được một số thuốc để phục vụ công tác khám và điều trị như Vincristin 1mg, Vinblastin 10mg, Topotecan 4mg...

Tại Bình Dương, mới đây, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương đã xác nhận có tình trạng thiếu thuốc, hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế cục bộ tại một số cơ sở y tế công lập, trong đó có Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Nguyên nhân là do các đơn vị đã hết số lượng thuốc trúng thầu, hoặc do đứt chuỗi cung ứng nên nhà thầu không cung cấp đủ thuốc…, trong khi việc mua sắm mới cần có thời gian triển khai từng bước, chưa kể phải nghiên cứu, cập nhật những quy định mới của Luật Đấu thầu 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thông thường, mùa lập kế hoạch mua sắm của ngành y tế rơi khoảng tháng 5 - 6 hàng năm, nhưng đến nay, tại một số địa phương như Bắc Ninh, Đồng Tháp, An Giang…, các đơn vị mua sắm vẫn đang lúng túng, đi hỏi khắp nơi vì chưa biết triển khai quy định đấu thầu mới ra sao…

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết đang triển khai các bước của việc mua sắm thuốc theo Thông tư số 07/2024/TT-BYT. Tuy nhiên, cần có nhiều thời gian hơn để quen thuộc quy trình đấu thầu theo quy định mới. “Do đó, trong thời gian tháng 7 - 8/2024, khó tránh khỏi có nguy cơ thiếu cục bộ một số thuốc, người bệnh phải tự túc”, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Dương Đức Hùng cảnh báo.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế vừa có Công văn 3314/BYT-KH-TC hướng dẫn về việc triển khai công tác mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Bên cạnh giải đáp những thắc mắc về việc áp dụng phần tùy chọn mua thêm, dự kiến dự toán mua sắm cho các năm sau làm cơ sở lập giá dự thầu…, Bộ Y tế nêu rõ, cơ sở y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ có thể tự tổ chức LCNT cung ứng các thuốc nằm ngoài danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá; hoặc thỏa thuận đơn vị mua sắm tập trung của địa phương để tổng hợp nhu cầu mua sắm đối với thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương, mà không cần phải có sự chấp thuận của Bộ Y tế.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động mua sắm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đề xuất các cơ quan chức năng sớm hướng dẫn về phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng theo Điều 135 Nghị định 24/2024/NĐ-CP; hoàn thiện mẫu hồ sơ mời thầu cho việc LCNT theo số lượng dịch vụ kỹ thuật để mua sắm hóa chất xét nghiệm; đồng thời sớm cập nhật tính năng về chào giá trực tuyến, mua sắm trực tuyến trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Liên quan đến thuốc Albumin, PGS. TS. Nguyễn Quỳnh Hoa, Trưởng khoa Dược của Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, tình trạng khan hiếm đang diễn ra trên toàn cầu do thiếu nguồn cung huyết tương để sản xuất thuốc. Do đó, để giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một mặt hàng thuốc và giảm áp lực cho bộ phận mua sắm, cần rà soát lại danh mục thuốc, tính hợp lý (tối cần thiết và không thể thay thế), từ đó lựa chọn các thuốc có chỉ số chi phí - hiệu quả tốt hơn hoặc xác định liệu pháp điều trị thay thế. Thực tế của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, từ thuốc có chi phí sử dụng cao thứ hai trong năm 2022, năm 2023, thuốc Albumin đã không còn ở trong top 20 thuốc có chi phí sử dụng cao nhất.

Tin cùng chuyên mục