Dù quy định tốt đến đâu, nhưng khi chủ đầu tư chưa công tâm thì nhà thầu còn trăn trở. Ảnh: Lê Tiên |
Nhà thầu phản ánh chủ đầu tư không minh bạch
Theo quy định của pháp luật đấu thầu hiện hành, đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, có 4 phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá cố định, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, phương pháp dựa trên kỹ thuật.
Theo Công ty CP Tư vấn Xây dựng Quảng Bình, việc quy định chi tiết các phương pháp đánh giá tương ứng với từng loại gói thầu đã giúp chủ đầu tư, bên mời thầu có thêm các công cụ lựa chọn nhà thầu linh hoạt, hiệu quả hơn, phù hợp với tính chất, quy mô của từng gói thầu; góp phần đơn giản hóa thủ tục đối với những gói thầu nhỏ, đồng thời lựa chọn được chính xác nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá cạnh tranh nhất để thực hiện các gói thầu lớn, phức tạp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhà thầu, trong thời gian gần đây, một số chủ đầu tư, bên mời thầu đã vận dụng và áp dụng “phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá” để đánh giá HSDT và đã xuất hiện tình huống rất thiếu minh bạch, làm theo cảm tính chủ quan của bên mời thầu.
Cụ thể, chủ đầu tư, bên mời thầu thường áp dụng xử lý đối với nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, có đội ngũ cán bộ kỹ sư, kiến trúc sư có trình độ sau đại học được doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội, có kinh nghiệm công tác tư vấn xây dựng từ 10 năm trở lên, lại bị đánh giá là “có điểm phương pháp luận không đáp ứng mức điểm yêu cầu mức tối thiểu”, mặc dù giải pháp và phương pháp luận đó đã được các chuyên gia có trình độ cao và kinh nghiệm thực hiện nhiều gói thầu tương tự đề xuất trong HSDT (nhỏ hơn 60% hoặc nhỏ hơn 70% số điểm cơ cấu trong thang điểm của phần giải pháp và phương pháp luận).
Nhà thầu cho rằng, đây là một biện pháp để chủ đầu tư/bên mời thầu loại bỏ nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, có giá cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu “ruột” ngay từ vòng đề xuất kỹ thuật. Do vậy, dù nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện nhiều gói thầu tương tự, có đủ năng lực về tài chính,… và có giá dự thầu rất cạnh tranh nhưng HSDT cũng bị loại ngay ở bước đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật với lý do mức điểm đánh giá tiêu chí “Giải pháp và phương pháp luận” không đạt mức tối thiểu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).
Đề xuất xem xét, bổ sung quy định
Từ thực tế này, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Quảng Bình kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT ngày 14/2/2015 để điều chỉnh một số quy định đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn như cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn khảo sát… cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể, đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, phần Tiêu chuẩn đánh giá bao gồm 3 tiêu chí: (1) Năng lực kinh nghiệm; (2) Giải pháp và phương pháp luận; (3) Nhân sự thực hiện gói thầu. Công ty CP Tư vấn xây dựng Quảng Bình kiến nghị xem xét, các đề xuất như sau:
Thứ nhất, phần năng lực kinh nghiệm thì cần quy định cụ thể hóa các vấn đề về kinh nghiệm như: Số năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn; Số công trình tương tự gói thầu đã thực hiện (công trình tương tự ở mức phân cấp, phân loại, quy mô của công trình theo quy định của Chính phủ ban hành; không cho phép yêu cầu chỉ định tên riêng như công trình y tế, công trình cơ quan Đảng, công trình giáo dục, công trình văn hóa, công trình cơ quan nhà nước…); Đã đăng ký tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Thứ hai, đề nghị bỏ phần giải pháp và phương pháp luận trong tiêu chuẩn đánh giá vì không định lượng và không định tính được trong quá trình đánh giá. Lý do là trong quá trình chấm thầu tại phần này, một số chủ đầu tư/bên mời thầu có thể đánh giá không minh bạch và không công tâm. Đồng thời đề xuất bổ sung phần “năng lực tài chính”, bao gồm: Doanh thu hàng năm (mức yêu cầu tối thiểu); lợi nhuận trước thuế (mức yêu cầu tối thiểu); tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (tình hình chấp hành nghĩa vụ nộp thuế tại thời điểm đấu thầu) là không nợ đọng; tình hình thực hiện nghĩa vụ với người lao động (không nợ đọng việc nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm đấu thầu).
Thứ ba, về nhân sự thực hiện gói thầu: nhân sự phải có đủ năng lực (chứng minh bằng văn bằng và các loại chứng chỉ hành nghề phù hợp với gói thầu); nhân sự phải thực sự là nhân sự của nhà thầu tham gia dự thầu (bắt buộc phải chứng minh bằng danh sách nộp bảo hiểm xã hội của nhà thầu đối với người lao động, trừ trường hợp người lao động đã đến tuổi hưởng chế độ bào hiểm xã hội không thuộc đối tượng nộp bảo hiểm xã hội); nhân sự phải có kinh nghiệm thực hiện gói thầu tương tự.