Nhận diện, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế với trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. 
Nếu thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ với tốc độ đặc biệt như phòng chống dịch vừa qua, kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi, đón được cơ hội đầu tư kinh doanh mới. Ảnh: Lê Tiên
Nếu thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ với tốc độ đặc biệt như phòng chống dịch vừa qua, kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi, đón được cơ hội đầu tư kinh doanh mới. Ảnh: Lê Tiên

Giải pháp nào về thể chế cần được chú trọng để kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, phục hồi và nắm được các cơ hội mới đang mở ra là vấn đề được nhiều chuyên gia hiến kế tại Hội thảo với chủ đề: “Một số yêu cầu cải cách thể chế” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 1/6, tại Hà Nội.

Đâu là điểm nghẽn phát triển hậu Covid-19?

Đến thời điểm này, Việt Nam đã cơ bản khống chế, kiểm soát tốt dịch Covid-19 và đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế. Việc nhận diện các điểm nghẽn là yêu cầu quan trọng để chúng ta có được những giải pháp hiệu quả. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc CIEM cho rằng, chất lượng thể chế; hạ tầng số; kỹ năng và năng suất lao động là những điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế hậu Covid-19. Trong đó, chất lượng thể chế thể hiện ở việc triển khai Chính phủ điện tử; hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; phát triển bao trùm và bền vững là các nội dung được ông Dương lưu ý đặc biệt.

Theo ông Dương, thời gian qua, chuyển biến xây dựng Chính phủ điện tử còn hạn chế. Việt Nam xếp hạng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Về ứng xử với nhà đầu tư, ông Dương cho rằng, chúng ta vẫn tập trung nhiều vào cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp. Tới đây, việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực cần thu hút thì Việt Nam cần quan tâm đến ban hành các tiêu chuẩn.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM nhìn nhận, hiện xu hướng va đập của các nền kinh tế, các quốc gia ngày càng lớn, chủ nghĩa đa cực, đơn cực, song cực khiến các nước nhỏ, yếu thế phải có chính sách linh hoạt. Thời hậu Covid-19 càng kích hoạt cho xu hướng chính trị hóa kinh tế tăng cao. Minh chứng là qua xung đột giữa Mỹ - Trung, xu hướng rút các doanh nghiệp về nước hoặc xu hướng bảo hộ công nghiệp gia tăng... Ông Thành nêu lên 3 bài toán lớn nhất với Việt Nam hiện nay. Một là khống chế dịch, sống chung với nguy cơ dịch và gắn với duy trì cầm cự, phục hồi kinh tế. Hai là các tồn đọng của 12 đại dự án yếu kém thua lỗ vẫn chưa được xử lý hiệu quả; cùng với đó là nợ xấu hậu Covid có thể tăng, thâm hụt ngân sách lớn, trần nợ công có thể cao hơn… Ba là tái cấu trúc nền kinh tế vẫn chậm.

Đồng tình với quan điểm vừa nêu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Chúng ta đã đi được bước dài về cải cách thủ tục hành chính, nhưng lại vấp phải vấn đề khó hơn, ví dụ như: giải quyết tranh chấp, bảo vệ tài sản. Do đó, cải cách này cần mạnh mẽ hơn, bước sang giai đoạn mới là tạo thuận lợi cho DN chứ không chỉ là tháo gỡ khó khăn…”. 

Cải cách cần tốc độ cao

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM:

Để phục hồi kinh tế hậu Covid -19 cũng như phát triển thời gian tới, chúng ta vẫn phải tập trung vào khắc phục những điểm nghẽn về thể chế để tháo gỡ nhằm có khung khổ pháp luật minh bạch, quản trị tốt; doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong tuân thủ. Cùng khung khổ thể chế tốt thì yêu cầu thực thi hiệu quả cũng không kém phần quan trọng. Bởi nếu không thực thi tốt thì những chính sách có tốt chũng chỉ là trên giấy.

Nhận diện rõ các điểm nghẽn với nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có một vị thế mới hậu Covid-19. Nếu thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ, nhất là với tốc độ “đặc biệt” như phòng chống dịch vừa qua, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ, đón được cơ hội đầu tư kinh doanh mới.

Theo ông Tuấn, hiện Việt Nam đang có một vị thế khác trên thế giới hậu Covid-19, tính tự cường cũng như kết nối với các thị trường của nền kinh tế gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới thời gian tới cũng tiềm ẩn bất định, rủi ro, việc phản ứng nhanh với các chính sách của Chính phủ là điều quan trọng góp phần giảm thiểu những rủi ro.

Còn theo ông Thành, để Việt Nam bật lên được hậu Covid-19, đón được cơ hội từ sự dịch chuyển dòng vốn thì việc giải 3 bài toán nêu trên cần tốc độ cao và cơ chế đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI  và giao các cơ quan chức năng xây dựng ngay đề án này nhằm đón làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch. Và nếu nhanh chúng ta mới “đón được đại bàng tới làm tổ”, còn đi chậm có thể chỉ “đón được chim sẻ”...