Nhật Bản đề nghị Ấn Độ lên tiếng mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông

Tờ Times of India số ra cuối tuần qua đã có bài viết trong đó trích dẫn phát biểu của một quan chức ngoại giao Nhật Bản về việc Tokyo mong muốn Ấn Độ có quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Thủ tướng Abe và người đồng cấp Modi. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Abe và người đồng cấp Modi. (Ảnh: AFP)

Ấn Độ và Nhật Bản đang đẩy mạnh tập trung cho các lợi ích chiến lược của hai nước và chia sẻ điều mà hai nước gọi là "Đối tác Toàn cầu và Chiến lược" từ năm 2006. Trong những năm qua, khi tình hình tại Biển Đông trở nên căng thẳng hơn, cả hai nước đều quan tâm tích cực tới vấn đề này, bất chấp việc cả Ấn Độ và Nhật Bản không phải là nước có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Theo báo trên, ông Yuki Tamura, quan chức phụ trách vấn đề Biển Đông của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết Tokyo "đang hối thúc Ấn Độ nêu rõ quan điểm về các vấn đề liên quan tới vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền này vì an ninh hàng hải đóng vai trò rất quan trọng".

Theo đánh giá của Diplomat, bình luận trên của quan chức Nhật Bản về quan điểm của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông không có gì bất ngờ. Nhật Bản hiện đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông, nhưng nước này cũng tích cực bày tỏ quan điểm về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, nơi Tokyo cùng với Mỹ ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, quản lý hoà bình các tranh chấp cũng như bảo đảm tự do hàng hải và hàng không.

Trong khi đó, Ấn Độ mới đề cập tới vấn đề Biển Đông trong vài trường hợp, bao gồm các tuyên bố chung với Mỹ, Nhật Bản. Hàng năm, Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Nadrenda Modi thường nhóm họp trong các hội nghị thượng đỉnh song phương và trong hội nghị năm ngoái, nguyên thủ hai nước đã "kêu gọi tất cả các nước tránh các hành động đơn phương có thể dẫn tới căng thẳng trong khu vực". Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào cuối năm nay. Đây là hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với giới quan sát, những người từ lâu cho rằng Tokyo và New Delhi có thể ký thoả thuận hợp tác hạt nhân bị trì hoãn lâu nay và thậm chí là thoả thuận quân sự về việc chuyển giao máy bay tìm kiếm và cứu nạn hiện đại U-2 từ Nhật Bản cho Ấn Độ.

Quan điểm của Ấn Độ về Biển Đông thường gắn với Mỹ và Nhật Bản, nhưng New Delhi vẫn chưa thể hiện mạnh mẽ như Washington và Tokyo. Ấn Độ được cho là chưa sát cánh với Mỹ và Nhật Bản về phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Hay (Hà Lan), trong đó bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và coi các hành vi cải tạo, xây dựng của Bắc Kinh ở vùng biển này là phi pháp. Ấn Độ, quốc gia từng giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền với Bangladesh vào năm 2014 thông qua một phán quyết của tòa trọng tài dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, hoan nghênh phán quyết về Biển Đông, song chưa tuyên bố đây là phán quyết mang tính ràng buộc và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ. Trong khi đó, trên thực tế Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia không phải phương Tây và không liên quan trực tiếp tới tranh chấp ở Biển Đông kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết của tòa.

Từ lâu, Ấn Độ đã đề cập tới lợi ích của nước này tại Biển Đông và từng được Chiến lược Hàng hải của nước này miêu tả như là "khu vực thứ hai" trong lợi ích hàng hải của New Delhi. Với những thay đổi trong thời gian qua, giới phân tích cho rằng sẽ rất đáng chờ đợi nếu lời kêu gọi Ấn Độ thể hiện quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề Biển Đông của Nhật Bản được New Delhi đáp lại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các mối quan ngại chính của New Delhi - gồm vấn đề tranh chấp lãnh thổ biên giới với Trung Quốc, quy chế thành viên cho nước này trong Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG) và quan điểm của Bắc Kinh về các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với thủ lĩnh nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed, Masood Azhar - có thể ảnh hưởng tới quan điểm của New Delhi về vấn đề Biển Đông.

Dù chiến lược hàng hải của Ấn Độ ở Biển Đông được đánh giá là "khu vực thứ 2" sau ưu tiên ở biển Ả rập và Vịnh Bengal, New Delhi vẫn có những lý do để ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực và ngăn chặn Trung Quốc từng bước chiếm ưu thế ở Biển Đông. Việc Trung Quốc duy trì hiện diện thường trực tại Biển Đông sẽ tạo cơ hội cho lực lượng hải quân nước này tổ chức thường xuyên các hoạt động tại Vịnh Bengal và phía Đông của Ấn Độ Dương, đe doạ tới các lợi ích của chính Ấn Độ. Trong khi đó, với Nhật Bản, mối quan tâm của nước này tại Biển Đông vẫn vậy, bất chấp những đe doạ từ Trung Quốc về việc Tokyo tăng cường can dự vào vùng biển này ảnh hưởng tới các lợi ích chính của Bắc Kinh. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã đề ra kế hoạch mở rộng quá trình can dự của hải quân nước này trong khu vực và có thể sẽ gia tăng vào năm 2017 hay thậm chí còn xa hơn nữa.

Sau hội nghị năm ngoái, nhiều khả năng vấn đề Biển Đông sẽ là chủ đề được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Abe và người đồng cấp Modi sắp tới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu New Delhi có sẵn sàng thay đổi "tiếng nói" để đáp lại lời kêu gọi của Tokyo? Nếu Nhật Bản thuyết phục được Ấn Độ đưa ra quan điểm mạnh mẽ hơn về phán quyết của tòa trọng tài tại La Hay và đưa vào tuyên bố chung, đây có thể coi là một bước ngoặt trong "cuộc chơi" giữa những cường quốc trong khu vực về vấn đề Biển Đông. 

Tin cùng chuyên mục