Nhiều bệ phóng phát triển kinh tế tư nhân

(BĐT) - Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đang được kỳ vọng sẽ có bước phát triển đột phá xứng tầm với vị trí là động lực quan trọng của nền kinh tế, là động lực mới cho tăng trưởng. Sự kỳ vọng ấy là hoàn toàn có cơ sở khi hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân đã và sắp được triển khai trong thời gian tới. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với Báo Đấu thầu về rất nhiều giải pháp, hành động cụ thể để đạt được những mục tiêu đề ra trong phát triển KTTN.

Thưa Bộ trưởng, khu vực KTTN đã có sự phát triển và đóng góp như thế nào trong thời gian vừa qua?

Có thể nói, quan điểm, tư duy về phát triển KTTN và những kết quả đã đạt được là một trong những thành tựu nổi bật trong hơn 30 năm đổi mới của đất nước. Ngược lại, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước có sự đóng góp tất yếu, tích cực từ sự phát triển khu vực kinh tế KTTN.

Khu vực KTTN đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh cả về chất và lượng, từ chỗ hoạt động chủ yếu trong khu vực phi chính thức, đã dần chuyển đổi mạnh mẽ sang khu vực chính thức. Khu vực KTTN hiện chiếm tỷ trọng 40% GDP, đóng góp hơn 30% thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, đóng góp lớn nhất của khu vực này là giải quyết công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, giảm bất bình đẳng trong xã hội, góp phần ổn định chính trị, xã hội.

Đặc biệt, trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp đã và đang diễn ra sôi động ở khu vực KTTN, đem lại luồng sinh khí mới, góp phần tạo nên sự phát triển năng động cho nền kinh tế.

Để tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cần những giải pháp đồng bộ, từ cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp

Việc Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII xác định khu vực KTTN là “một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chính là sự ghi nhận, đánh giá ở tầm mức cao nhất về những đóng góp quan trọng, lớn lao của khu vực này cho đất nước.

Vị trí của khu vực KTTN đã được đặt xứng tầm, nhưng làm thế nào để nuôi dưỡng, phát triển khu vực này đúng tiềm năng, khi đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu sức yếm thế?

Hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân ra đời, phát triển. Vai trò của khu vực KTTN ngày càng được ghi nhận, môi trường đầu tư thông thoáng hơn, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng đông nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97%, sản xuất manh mún, công nghệ lạc hậu, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp. Để nuôi dưỡng, tạo động lực cho khu vực KTTN phát triển, cần những giải pháp đồng bộ, từ cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển khu vực KTTN đã vạch ra đường lối, chủ trương phát triển khu vực này. Đây là kim chỉ nam cho việc ban hành các cơ chế, chính sách thiết thực tiếp theo; đồng thời là nguồn cổ vũ, tiếp lửa cho tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo, phát triển của khu vực KTTN trong thời gian tới.

Chính phủ xác định để không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình, thì phát triển khu vực KTTN là nhiệm vụ hàng đầu để khơi dậy, phát huy động lực mới cho tăng trưởng. Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho khu vực KTTN với rất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “nuôi dưỡng” khu vực KTTN lớn mạnh.

Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân

Trong đó, vấn đề giảm chi phí cho doanh nghiệp cả chính thức và không chính thức đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Tại phiên họp Chính phủ tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã thảo luận chuyên đề về các biện pháp giảm phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Có thể nói hiện nay, chi phí để tuân thủ quy định pháp luật còn lớn và nhiều bất hợp lý; chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi quy định pháp luật, chính sách và thủ tục hành chính. Những chi phí này không chỉ làm tốn kém tiền bạc, mà còn làm mất thời gian, có thể dẫn đến mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy phép con. Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chi phí phát sinh để làm các thủ tục. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Đề án nghiên cứu giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Song song với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực KTTN. Khi DNNN thực hiện đúng vai trò và phải tuân theo nguyên tắc thị trường, không được hưởng những ưu đãi riêng, sân chơi của khu vực KTTN sẽ được mở rộng.

Giải pháp bao trùm để phát triển KTTN là phải tăng cường các thể chế thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh tự do, công bằng; sự bình đẳng trong tiếp cận thị trường, tiếp cận các nguồn lực đất đai, tín dụng, thông tin; bảo đảm quyền sở hữu tài sản để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh lâu dài làm bệ phóng để các doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn mạnh, vươn cao và vươn xa hơn;…

Tuy nhiên, đây là những điều kiện cần, điều kiện đủ là tự thân doanh nghiệp phải có khát vọng vươn lên thông qua việc nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; chủ động nắm bắt các cơ hội để tham gia vào sân chơi hội nhập. Doanh nghiệp cần từ bỏ tư duy làm ăn manh mún, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn, chiến lược dài hạn; đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không ngừng thay đổi, tìm tòi các ý tưởng sáng tạo mới để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm…

Trong guồng quay của thị trường, sẽ có doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi, nhưng cũng sẽ là cơ hội để những doanh nghiệp mới trỗi dậy, phát triển bứt phá. Doanh nghiệp phải tự trưởng thành để tồn tại, Chính phủ đồng hành chứ không thể làm thay, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để hỗ trợ khu vực KTTN.

Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng sẽ tạo cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đầu tư

Bộ trưởng kỳ vọng như thế nào vào sự phát triển của khu vực KTTN thời gian tới?

Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại có nhiều yếu tố hỗ trợ, có thể nói như bệ phóng, để khu vực KTTN phát triển. Lần đầu tiên chúng ta có một Nghị quyết riêng về phát triển KTTN xác định khu vực này là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của khu vực KTTN đã được nhìn nhận và đặt ở vị trí xứng tầm.

Sau đó, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - một đạo luật chắc chắn sẽ tạo ra một hệ sinh thái cho sự phát triển của khu vực KTTN, đặc biệt là nâng đỡ các ý tưởng sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp, những doanh nghiệp làm ăn thực thụ.

Dự thảo Luật Quy hoạch dự kiến thông qua tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới cũng chính là giải pháp để khắc phục tình trạng xin - cho tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch khi bãi bỏ được một số quy hoạch ngành, toàn bộ các quy hoạch về sản phẩm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đây là điểm rất mới, rất cách mạng của Dự Luật này và khi được thông qua, chắc chắn, môi trường kinh doanh sẽ có cải thiện tích cực, doanh nghiệp sẽ bớt chật vật trên con đường làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng sẽ tạo cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đầu tư vào một số địa bàn như Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong… Khi đó, khối kinh tế tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội tiếp cận các dự án quy mô lớn, nhiều ưu đãi, thực sự khác biệt, cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Về phía Chính phủ, ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ. Khi Chính phủ xác định rõ ràng vai trò của mình, những chính sách sẽ đi đúng hướng để tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ đã hiện thực hóa quyết tâm bằng nhiều hành động cụ thể. Trong hơn một năm qua, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên vào cuộc, trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Luật Quy hoạch dự kiến thông qua tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới là giải pháp để khắc phục tình trạng xin - cho tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch

Sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào tháng 4/2016, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, tiêu biểu là Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ hai và Diễn đàn Phát triển KTTN mới đây tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ là đồng hành với doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp và sự phát triển lành mạnh của khu vực KTTN.

Điều này thể hiện sự quyết tâm cao, sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị đối với sự phát triển của khu vực KTTN, từ chủ trương đường lối đến việc hiện thực hóa đường lối trên thực tế, tạo ra niềm tin cho khu vực kinh tế này, đồng thời mở đường cho các giải pháp cụ thể hơn đối với sự phát triển của khu vực KTTN.

Khi cả hệ thống chính trị và khu vực KTTN cùng chung tay thì con đường đi đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và kỳ vọng nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN lên 50 - 60% GDP như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ sẽ không phải là quá xa.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!