Nhiều giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng

(BĐT) - Cần nghiên cứu ban hành các chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Xây dựng thị trường cạnh tranh hiệu quả dựa trên hai trụ cột là cải cách thể chế về bảo vệ quyền tài sản và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trên cơ sở tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển mạnh khu vực tư nhân trong nước.
Bộ KH&ĐT đề xuất cần nghiên cứu ban hành sớm chính sách cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Bộ KH&ĐT đề xuất cần nghiên cứu ban hành sớm chính sách cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Đó là những nhóm giải pháp đầu tiên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong Báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn.

Tại Báo cáo, Bộ KH&ĐT đánh giá mô hình tăng trưởng đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện. Năng suất lao động tăng đều qua các năm. Tăng trưởng kinh tế chuyển dịch sang chiều sâu. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của khai khoáng. Vai trò của khu vực tư nhân gia tăng, thể hiện qua tỷ trọng của khu vực này trong GDP cũng như đầu tư phát triển toàn xã hội. Cùng với đó, tiềm lực tăng trưởng kinh tế được củng cố và khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài được cải thiện. Nền kinh tế đứng vững trước cú sốc phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ và biến động thị trường tài chính thế giới trong thời gian qua…

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, kết quả thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững.

Điều đó thể hiện ở cấu trúc của nền kinh tế không thay đổi đáng kể, vẫn dựa vào 2 lực lượng chính là kinh tế hộ gia đình (chiếm hơn 33% GDP) và doanh nghiệp nhà nước (32% GDP). Các ngành sản xuất của Việt Nam vẫn nằm ở dưới chuỗi giá trị và chưa có dấu hiệu được cải tiến. Đóng góp về giá trị gia tăng của Việt Nam đặc biệt thấp trong hoạt động sản xuất chế tạo hàng hóa giá trị cao, như hàng điện tử và điện thoại chỉ dưới 40%.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, đầu tư chủ yếu được tài trợ không bền vững qua tín dụng ngân hàng, dẫn tới tỷ lệ tín dụng/GDP tăng quá nhanh và tiềm ẩn rủi ro. Mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài có xu hướng tăng. Vốn đầu tư khu vực FDI năm 2018 chiếm tới 23,4% tổng vốn đầu tư xã hội và khoảng 71 - 72% kim ngạch xuất khẩu. Nền kinh tế có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Báo cáo các đại biểu Quốc hội, Bộ KH&ĐT đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Bộ đề xuất cần nghiên cứu ban hành sớm chính sách cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuế thu nhập cá nhân đối với lao động chất lượng cao. Rà soát cắt giảm mạnh cơ chế phân bổ xin - cho khép kín đối với các nguồn lực do Nhà nước kiểm soát. Đặc biệt, cần sớm cải cách cơ bản luật pháp về quản lý đất đai để phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất.

Đồng thời, hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, kiên quyết chỉ đạo thực hiện để đạt mục tiêu chi thường xuyên dưới 64% tổng chi ngân sách. Giảm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng đến mức phù hợp so với tăng trưởng GDP, đạt khoảng 14 - 16% vào năm 2020. Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

“Tiền đề của các nhóm giải pháp là Chính phủ có những biện pháp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi cho cơ cấu lại nền kinh tế”, báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu.

Tin cùng chuyên mục