Nhiều ngân hàng kỳ vọng bứt phá lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trải qua năm 2021 kinh doanh thành công, nhiều ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ít nhất 20 - 30% trong năm nay trước triển vọng phục hồi kinh tế.
Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng gấp 2,2 lần năm ngoái, đạt 2.500 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng gấp 2,2 lần năm ngoái, đạt 2.500 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) công bố đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với 2021. Mục tiêu này của VIB dựa trên kế hoạch quy mô tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng, 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Tại Hội nghị đầu tư quốc tế theo chuỗi sự kiện của Quỹ quốc tế EFG Hermes diễn ra mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã chia sẻ kế hoạch kinh doanh 2022 với định hướng tăng trưởng cao. Dù không đưa ra con số cụ thể nhưng HDBank cho biết, theo chiến lược 5 năm (2021 - 2025), HDBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng bình quân trên 25% mỗi năm, và đến 2025 ước đạt khoảng 1 tỷ USD. HDBank tiết lộ, mảng kinh doanh bảo hiểm có dư địa phát triển rất lớn nhờ Ngân hàng có lợi thế cạnh tranh tại các đô thị loại hai và thị trường nông thôn, nơi thu nhập của người dân đang tăng lên và sự quan tâm đối với sản phẩm bảo hiểm ngày một lớn.

Đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng trong năm nay, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc vào năm 2022 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ. Và ngành ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam.

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc vào năm 2022 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ. Và ngành ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam.

Dù chưa công bố kế hoạch kinh doanh cụ thể để trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) nhưng tại các buổi tiếp xúc nhà đầu tư diễn ra vào đầu năm, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Lãnh đạo MSB cho biết, trong năm 2022, bên cạnh mảng tín dụng tập trung vào bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy mảng hoạt động thu phí, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ để góp phần tăng trưởng mạnh CASA (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn), giảm chi phí vốn và giảm CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập).

Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 25 - 30% sau khi đạt mức lợi nhuận trước thuế 5.519 tỷ đồng trong năm 2021 (tăng 25% so với năm 2020), tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) dự kiến trên 20% và duy trì mức cổ tức từ 20 - 25% cho cổ đông. Tuy nhiên, các mục tiêu này vẫn đang được Hội đồng quản trị cân nhắc trước khi trình ĐHĐCĐ thường niên.

Thậm chí, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) còn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng gấp 2,2 lần năm ngoái, đạt 2.500 tỷ đồng. Con số tham vọng này được đưa ra trong bối cảnh Eximbank vừa trải qua năm 2021 kinh doanh không thuận lợi, lợi nhuận trước thuế giảm 10% so với năm 2020, đạt 1.205 tỷ đồng. Cùng với đó, ngân hàng này đã kiện toàn được bộ máy quản trị sau nhiều năm chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm cổ đông.

Số liệu của FiinGroup và phân tích chuyên sâu từ các diễn giả tại Tọa đàm FiinGroup Invest Summit - Triển vọng đầu tư năm 2022 cho thấy, ngành ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 20 - 25% năm 2022 nhờ các yếu tố như tín dụng dự kiến tăng 14% với sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của Chính phủ; tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập từ phí tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi; một số ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro sớm trước thời hạn của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ không phải trích lập và có cơ hội hoàn nhập dự phòng khi một phần nợ xấu do ảnh hưởng dịch Covid-19 giảm áp lực trước sự hồi phục của nhiều nhóm ngành.

Tin cùng chuyên mục