Nhức nhối chi phí doanh nghiệp

(BĐT) - Ngoài các khoản chi phí không chính thức, theo thống kê, mỗi năm, một doanh nghiệp (DN) phải chi trả tới 40% lợi nhuận cho các khoản chi phí chính thức. Theo các chuyên gia, đây là mức phí cao so với thế giới.
Khảo sát của VCCI cho thấy, hầu hết DN phải trả các khoản chi phí không chính thức ở những thủ tục đầu tư kinh doanh thuộc những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Nhã Chi
Khảo sát của VCCI cho thấy, hầu hết DN phải trả các khoản chi phí không chính thức ở những thủ tục đầu tư kinh doanh thuộc những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Nhã Chi

Mức chi phí cao

Giảm chi phí cho DN là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, Chính phủ giao các cơ quan liên quan tích cực thực hiện rà soát các quy định pháp luật về đất đai; mức phí đường bộ, phí BOT… nhằm có những điều chỉnh phù hợp.

Đề cập đến vấn đề này, tại cuộc Họp báo thông tin chuyên đề về Nghị quyết 35/NQ-CP được Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng ngày 27/5, tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng: “Câu chuyện DN phải trả những chi phí không chính thức vẫn còn nhức nhối. Đã có trường hợp, DN dù không muốn đóng góp xã hội hóa theo lời kêu gọi nhưng không dám từ chối vì sợ bị thanh, kiểm tra”.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin: “Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, hầu hết DN phải trả các khoản chi phí không chính thức ở những thủ tục đầu tư kinh doanh thuộc những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các khoản chi phí không chính thức thường rơi vào một số lĩnh vực liên quan đến thuế, bảo hiểm, giao thông…”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, chi phí cao ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ.

“Quốc gia nào cũng phải huy động nguồn thu cho ngân sách qua thuế, phí nhưng các khoản thuế, phí cần phải tính toán minh bạch, kỹ lưỡng ngay từ những yếu tố cấu thành nên mức thuế, phí”, ông Đông nêu ý kiến và đề nghị VCCI tiếp tục nghiên cứu, điều tra để có thêm những số liệu cụ thể về vấn đề này.

Giảm thiểu thanh, kiểm tra

Nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển, Nghị quyết 35 đưa ra quy định kiểm tra, thanh tra 1 năm/lần. Liên quan đến vấn đề này, không ít ý kiến băn khoăn, với quy định tối giản hoạt động thanh, kiểm tra như vậy, việc xử lý các DN hay vi phạm quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh có gặp khó khăn?

Về vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà nêu ý kiến: “Cần phải có lòng tin vào DN. Còn đối với những nhóm đối tượng kinh doanh có nguy cơ vi phạm cao thì thực hiện phân loại, khoanh vùng chứ không thanh, kiểm tra nhiều lần, vì có làm như vậy thì kết quả cũng không thực chất. Trường hợp với DN vi phạm, cơ quan chức năng vẫn có nhiều biện pháp để điều tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, triệt để”.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng: “Cần hạn chế hoạt động thanh, kiểm tra để tạo điều kiện thuận lợi cho DN yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, đối với trường hợp DN có vi phạm ở mức độ hình sự thì phải cương quyết xử lý”.

Về vấn đề này, bà Phạm Thu Hằng bổ sung: “Nghị quyết 35 đã nêu rõ, kết quả thanh kiểm tra sau phải kế thừa kết quả cùng nội dung trước đó, tránh tình trạng các cơ quan quản lý vào DN kiểm tra lại cùng nội dung gây phiền hà cho DN. Vai trò của UBND tỉnh, cơ quan thanh, kiểm tra trong việc thống nhất kế hoạch trong hoạt động này cũng phải được nêu cao để giảm thiểu thời gian DN phải dành ra tiếp những đoàn làm việc”.

Giải pháp nào để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động thu phí đường bộ?

Nhức nhối chi phí doanh nghiệp ảnh 1
- Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đến nay, đã có DN Việt Nam chính thức khẳng định sẽ làm tuyến đường tự động xe không dừng với tốc độ 100 km/h mà không có sự can thiệp của con người. Mọi hoạt động thanh toán phí sẽ diễn ra tự động và rất thuận lợi. Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng với những công nghệ thu phí do chính nhà đầu tư đầu tư hoặc người cung cấp tiền cho nhà đầu tư để mua ở nước ngoài về. Họ có thể làm chủ được phần mềm và điều chỉnh con số. Do đó, việc kiểm soát con số một cách minh bạch là rất cần thiết.

Nhức nhối chi phí doanh nghiệp ảnh 2
- Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Chúng ta cần phải đánh giá đúng những khoản thuế phí chính thức. Còn đối với những khoản chi phí phi chính thức vẫn còn nhức nhối như phản ánh là có tuyến đường BOT nhà đầu tư nói 1 ngày thu 1 tỷ đồng tiền phí nhưng dư luận phản ánh là thực tế số tiền tới 3 - 4 tỷ đồng thì cần phải làm rõ. Tôi cho rằng, cần đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, phát huy tối đa lợi ích từ việc thu phí vừa đảm bảo giao thông thông suốt cũng như giảm ùn tắc, đồng thời đếm rất chính xác lưu lượng xe tham gia giao thông.

Tin cùng chuyên mục