Vẫn còn nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Ảnh: Hoài Nam |
Từ nhũng nhiễu đến tiếp tay buôn lậu, hoàn thuế
Vụ việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Tường Duy (48 tuổi, nhân viên Đội Kiểm soát, Cục Hải quan TP.HCM) tiếp tục làm “nóng” dư luận trước hành vi tiêu cực của một số cán bộ hải quan thoái hóa.
Theo kết quả điều tra bước đầu, với nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa và chống buôn lậu, Nguyễn Trọng Duy đã ép buộc các doanh nghiệp có hàng hóa cần thông quan phải chung chi mới cho qua.
Đã có khoảng 200 doanh nghiệp “vướng” vòng nhũng nhiễu này. Khi kiểm tra nhà riêng của Duy, công an thu giữ hàng chục phong bì có khoảng 1 tỉ đồng, nghi là tiền doanh nghiệp đút lót để thông quan.
Cũng mới đây, cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã đề nghị truy tố bị can Lê Nguyễn Thị Ái Trâm (38 tuổi, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) có hành vi tiếp tay buôn lậu.
Biết Trâm được giao nhiệm vụ kiểm hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch ở sân bay, một số chủ doanh nghiệp làm ăn phi pháp đã móc nối để “lách” kiểm tra theo quy định.
Chính Lê Nguyễn Thị Ái Trâm đã ký khống trên tờ khai hải quan cho 13 kiện hàng lậu (gồm 844 chiếc điện thoại di động và máy tính bảng, trong đó có 714 chiếc iPhone), với tổng trị giá trên 9 tỷ đồng từ Hong Kong về Việt Nam, qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất; giúp lô hàng qua cổng giám sát hải quan trót lọt mà không thông qua kiểm hóa.
Trong đầu tháng 1/2016, VKSND tỉnh Kiên Giang đã truy tố Lâm Văn Giao (nguyên Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên); Võ Văn Toàn (nguyên Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc gia Giang Thành) cùng 8 cấp dưới về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ năm 2010 đến tháng 6/2013, Giao, Toàn và các thuộc cấp đã tạo sơ hở cho một đường dây tội phạm lập ra nhiều công ty ma, xuất hàng khống qua Campuchia, mua bán hóa đơn khống để làm thủ tục chiếm đoạt gần 110 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.
“Đâm sau lưng” doanh nghiệp
Nhân chuyện tiêu cực trong vụ Nguyễn Trường Duy, Lê Nguyễn Thị Ái Trâm và một số cán bộ hải quan, dư luận đưa ra nhận định một cách “chủ quan” nhưng không hẳn không có lý. Đó là những đối tượng này không thể một mình “ăn” tiền chung chi của doanh nghiệp mà có hẳn một “đường dây” để hỗ trợ một cách chuyên nghiệp.
Báo cáo gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã minh chứng cho điều đó khi có đến 28% doanh nghiệp cho biết phải trả thêm chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan. Doanh nghiệp cho biết họ e ngại sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả thêm chi phí ngoài quy định.
Liên hệ chuyện này với một hội thảo cuối tuần qua về "TPP - Cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt" diễn ra ở TP.HCM, chuyên gia kinh tế Phạm Duy Nghĩa (giảng viên Chương trình Giảng dạy Fulbright) có lưu ý một thực tế là doanh nghiệp mất đến 70% thời gian để làm việc với giới chức sắc vì không thể làm ăn được nếu không quan hệ tốt với chính quyền.
Chuyên gia Phạm Duy Nghĩa cho rằng, có một công thức chung trong hành vi tham nhũng đang “trói” doanh nghiệp trước TPP. Đó là: độc quyền, tùy tiện, thiếu minh bạch và không chịu trách nhiệm. Nếu như vậy thì doanh nghiệp Việt làm sao “bơi” ra sông, ra biển, hay lại bị trói buộc trước ao làng!
Phát biểu gần đây trước diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) có nhấn mạnh để thành công trong TPP, giải pháp quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam là đột phá về con người. Việc cần làm trước mắt trong năm 2016 là phải loại bỏ được những cán bộ nhũng nhiễu, yếu kém ra khỏi bộ máy.
Theo một số chuyên gia kinh tế, chính những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực chẳng khác gì “đâm sau lưng” doanh nghiệp trước sân chơi TPP, AEC hay các FTA vốn đầy khắc nghiệt này.