Những “đốm lửa” từ Đinh La Thăng, Bùi Quang Vinh…

Nếu “hiện tượng Đinh La Thăng” được Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an - coi như “đốm lửa” thì nó cùng với các đốm lửa khác như Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh thành những đốm lửa đầy năng lượng được cả xã hội và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ủng hộ mạnh mẽ và thổi bùng thành ngọn đuốc không thể tắt.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng. Ảnh: T.L
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng. Ảnh: T.L

Hệ thống cao tốc trong mơ

“Hiện tượng Đinh La Thăng” cho thấy điều rất quan trọng: Hiện chủ trương, đường lối không thiếu mà chúng ta thiếu và yếu nhất là khâu tổ chức triển khai thực hiện. Và “tư lệnh” Đinh La Thăng đã chứng minh: Nếu dám nghĩ, dám nói và dám hành động vì lợi ích dân tộc thì với cơ chế này chúng ta vẫn có thể làm được và làm tốt.

Trao đổi về những “quả đấm thép” vào những tháng đầu nhiệm kỳ của vị “tư lệnh”, một số cán bộ trong ngành giao thông cho tôi biết, Bộ trưởng Thăng sẽ chọn đường bộ làm đột phá khẩu. Tôi cũng chỉ ậm ừ vì thấy lâu nay tiến độ các dự án giao thông chỉ thấy chậm, rất chậm và đội vốn với nhiều lý do nghe cũng rất chính đáng: Đó là ách tắc do giải phóng mặt bằng, đó là tiền đâu khi ngân sách nhà nước quá eo hẹp... Và hầu như dư luận cũng thông cảm cho ngành giao thông bởi những khó khăn nan giải đó. Vậy mà, ông Đinh La Thăng cho thấy điều thần kỳ, trong vòng mấy năm, hệ thống cao tốc đã định hình khiến tất cả ngỡ ngàng.

Đó là, chúng ta đã có trên 700km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác. Đó là, việc khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm; hoàn thành mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm. Đây là 2 trục giao thông quan trọng nhất, có tác động lớn đến phát triển kinh tế đất nước, kết nối các khu vực tăng trưởng, các đầu mối giao thông đối ngoại trọng yếu.

Nhờ vậy, hệ thống đường cao tốc mới hoàn thành đã đưa nước ta đứng vào top 3 các nước có đường cao tốc lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Điều mà 5 năm trước ít ai dám nghĩ tới. Kế hoạch tiếp theo của “tư lệnh” Thăng cũng rất rõ ràng: Khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc mới nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000km đường bộ cao tốc... Kèm theo đó là những giải pháp khả thi.

Tư duy và đổi mới… tư duy

Một câu hỏi không thể không đặt ra: Đâu là nguyên nhân khiến phần lớn các dự án dưới thời Bộ trưởng Thăng không những không chậm, không bị đội vốn mà luôn vượt tiến độ và còn tiết giảm được hơn 57.000 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư các dự án trong 5 năm qua? Câu trả lời là: Nếu “trảm” và phát ngôn gây sốc của ông Thăng mới chỉ đánh tan sự trì trệ, thì quan trọng nhất là tư duy, cách thức thực hiện các dự án. Đó là sự phối hợp tổng thể từ chủ trương đầu tư, quá trình triển khai, cơ chế huy động vốn, cơ chế tài chính. Ví dụ cụ thể, đó là việc thành lập các Cty cổ phần dự án ở các tuyến cao tốc và “bán” các dự án cao tốc này cho các doanh nghiệp với nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của Nhà nước và nhân dân.

Nhưng, việc Bộ GTVT đã đầu tư các tuyến đường cao tốc rồi sau đó rút vốn, bán cho các doanh nghiệp khai thác khiến không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, đó là xu hướng không thể khác khi Nhà nước đặt mục tiêu thực hiện đột phá hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế xã hội. Thực tế cho thấy, tiền “bán” đường này đã bằng 1/3 tổng số vốn (gồm cả vốn ngân sách, vốn ODA…) đầu tư vào lĩnh vực.

Việc lý giải khá rõ ràng nhưng không phải được tất cả chấp nhận. Vẫn còn đó những băn khoăn: Mức phí mà người dân kêu là cao; khoảng cách 70km giữa các trạm thu phí chưa được thực hiện… Nhưng kết quả quan trọng nhất: Chúng ta đã có hệ thống đường cao tốc trong mơ. Và công bằng nhất, chính là sự đánh giá của những người đại biểu cho nhân dân: Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. Năm 2013, với số phiếu có tín nhiệm cao, ông xếp vị trí thứ 4 trong số các bộ trưởng. Thứ tự đó đã rất ấn tượng với chiếc “ghế nóng” mà ông ngồi. Vậy mà năm sau, ông đã xếp 
thứ nhất.

Do đó, dấu ấn của “Tư lệnh” Đinh La Thăng dần định vị thành “mốc” mà dư luận yêu cầu các thành viên Chính phủ phải “nói và làm”, không còn đất để vin hai chữ “cơ chế” mà lẩn trốn trách nhiệm.

Nhưng, điều đó không có nghĩa, chúng ta bằng lòng với cơ chế hiện nay, mà càng thấy rõ hơn, các bộ, ngành, các quý vị làm chính sách cần thực sự vào cuộc để tháo gỡ cơ chế càng sớm càng tốt, đừng để các vị “tư lệnh” vừa phải thực hiện, vừa phải tháo gỡ từng nút, từng nút như ông Đinh La Thăng.

Tiếp đoàn Tổng Lãnh sự tại TPHCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: Sự phát triển của TP cũng là sự thịnh vượng của DN các nước

Chiều 23.2, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã có buổi tiếp các tổng lãnh sự trên địa bàn TPHCM đến chào xã giao. Ông Simon Vander Burg, Tổng lãnh sự Hà Lan, Phó Lãnh sự đoàn tại TPHCM đã thay mặt lãnh sự đoàn tại TP chúc mừng ông Đinh La Thăng được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy TPHCM. Đồng thời, ông Simon Vander Burg cho rằng, các tổng lãnh sự tại TPHCM đặc biệt ấn tượng với Bí thư Thành ủy TPHCM với hai hành động: Yêu cầu cấp dưới phải thực sự lắng nghe người dân và thực hiện đường dây nóng để mọi người dân có thể nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo thành ủy.

Ông Đinh La Thăng khẳng định: “Sự thịnh vượng của VN, sự thịnh vượng của TPHCM, sự phát triển của TPHCM cũng là sự thịnh vượng phát triển của DN các nước đến đầu tư làm ăn ở VN và TPHCM”. 

ĐĂNG HẢI