Những lý giải bất ngờ với xuất siêu

Sự đảo chiều theo xu hướng tích cực khi Việt Nam xuất siêu trong 2 tháng đầu năm không thực sự đến từ những thay đổi tích cực trong cán cân thương mại…
Những lý giải bất ngờ với xuất siêu

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Hai năm nay ước đạt 10,3 tỷ USD trong khi nhập khẩu ước tính đạt 10,2 tỷ USD đã giúp cho Việt Nam duy trì tháng thứ 2 liên tiếp xuất siêu. Tính chung cả 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 865 triệu USD, sau khi cả năm 2015 duy trì mức nhập siêu.

Xuất siêu luôn là mục tiêu được đặt ra trong cán cân thương mại, bởi nó phản ánh sự tích cực của nền kinh tế khi xuất nhiều hơn nhập. Có nghĩa, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn kim ngạch nhập khẩu và cán cân thương mại có số dư.

Điều này cũng đồng nghĩa, hàng hóa Việt Nam đang ngày càng xây dựng được vị trí và chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp Việt Nam duy trì được hoạt động sản xuất và người lao động có thêm việc làm khi đơn hàng xuất khẩu tăng lên.

Thế nhưng, soi kỹ vào số liệu xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm có thể thấy rằng, bức tranh về cán cân thương mại chưa thực sự khả quan. Nguyên nhân chính được lý giải là do trong 2 tháng đầu năm thời gian nghỉ tết kéo dài, kéo theo sự giảm tốc của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thực tế nhìn vào bức tranh nhập khẩu các sản phẩm, mặt hàng trong nhóm nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất, đều có giảm mạnh. Đáng chú ý là nếu như khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn duy trì mức xuất siêu và tăng mạnh về kim ngạch nhập khẩu, thì trong 2 tháng đầu năm khối này cũng có mức nhập khẩu giảm khá mạnh với 7,7%.

Trong đó, nhiều mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất những ngành công nghiệp xuất khẩu chính như điện thoại, dệt may, da giày, đều giảm mạnh. Điều này cho thấy xuất siêu diễn ra chủ yếu do nhập khẩu giảm chứ không hẳn do xuất khẩu tăng cao, vì thực tế kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ - là mức tăng thấp so với yêu cầu tăng trung bình 10% theo chỉ tiêu đề ra.

Là nước vẫn còn phụ thuộc khá nhiều nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất nên việc kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào giảm, lại đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại cho nền kinh tế. Thực tế này cho thấy sản xuất đang có xu hướng giảm, do nhu cầu đơn hàng giảm và hoạt động của nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn.

Nhìn vào một số chỉ số sản xuất cho thấy, nếu như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ năm, thì chỉ số tiêu thụ của toàn ngành giảm 3,8%. Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp tăng tới 8,9% so với năm 2015. Nhiều ngành sản xuất xuất khẩu có thế mạnh có chỉ số tồn kho tăng như may mặc, sản xuất da, đồ uống, chế biến thực phẩm….

Mặc dù vậy, mức xuất siêu đã có chiều hướng giảm và được dự báo sẽ quay trở lại nhập siêu trong những tháng tới, cho thấy sản xuất cũng đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Theo các chuyên gia, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đang tiếp tục vào Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động ổn định nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất tăng lên và nhập siêu có thể quay trở lại.

Tin cùng chuyên mục