Nâng cao hiệu quả chi đầu tư phát triển là một trong những biện pháp giảm nợ công. Ảnh: Tiên Giang |
Nợ công sẽ sớm đụng trần
Năm 2015, ước tính nợ công và nợ do Nhà nước bảo lãnh (theo quy định của Bộ Tài chính) đã đạt mức 62,5% GDP, trong khi năm 2014 con số này là 59,6%. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa đưa ra dự báo, nợ công của Việt Nam năm 2016 sẽ là 63,8% GDP, sẽ tăng lên 64,4% vào năm 2017 và lên 64,7% vào 2018. Với mức trần nợ công cho phép là 65% GDP, viễn cảnh “đụng trần” nợ công của Việt Nam được dự báo sẽ diễn ra trong tương lai không xa.
Chuyên gia WB Sandeep Mahajan nhận xét, trong khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì về cơ bản thì tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp (và đang có xu thế giảm) là rất đáng quan ngại với Việt Nam.
Mặc dù không có thước đo chung về nợ công đối với tất cả các quốc gia. Song mức độ bền vững của nợ công được ông Sandeep Mahajan đánh giá tùy thuộc vào tiềm lực tài chính, sức mạnh kinh tế của từng nước. Đơn cử như Nhật Bản, kể cả khi nợ công đã vượt trên 200% GDP thì tình hình tài chính của nước này vẫn rất ổn, trong khi đó có những quốc gia, nợ công chỉ cần lên đến 50% GDP là đã rất nguy hiểm.
Đối với Việt Nam, chuyên gia của WB nhận định, các khoản nợ ngắn hạn trong nước tới hạn trả chiếm tỷ trọng lớn sẽ tạo áp lực cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn lên ngân sách. Với tỷ lệ nợ công 62,5% GDP, Việt Nam đủ sức trả và "khả năng trả của Chính phủ với những khoản nợ đến hạn là 100%", chuyên gia WB cho biết và thông tin thêm, WB không quan ngại về sự bền vững nợ công của Việt Nam, mà chỉ quan ngại về ngân sách.
Nợ công đang tăng khó kiểm soát
Thực tế, nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong 10 năm qua, từ 22,7% GDP vào năm 2006, lên 62,2% vào cuối năm qua, theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Quốc hội. Đặc biệt, từ 5 năm trở lại đây, nợ công của Việt Nam tăng trung bình 20% mỗi năm. Trong đó, đóng góp lớn nhất vào khoản nợ công này là nợ của Chính phủ, đạt mức 50,3% GDP, chiếm hơn 80% nợ công, vượt cả giới hạn an toàn cho phép 0,3%.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, những khoản vay ODA sẽ phải chịu những điều kiện ràng buộc chặt chẽ, phức tạp hơn về thời gian vay, ân hạn, lãi suất. Do đó, phương án vay đảo nợ từ nguồn ODA cũng cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Việt Nam sẽ cần phải cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đặc biệt liên quan tới chi thường xuyên gắn liền với cải cách thủ tục hành chính. “Cùng với đó, vẫn phải thực hiện hiệu quả hơn phần chi đầu tư”, ông Vũ Đình Ánh khẳng định.
Ở góc nhìn của mình, PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, Chính phủ phải kiểm soát được mức độ tăng nợ công. Để giữ được mức nợ công dưới 65% GDP cần cải cách mạnh mẽ, phải thoái vốn từ khu vực nhà nước và nâng cao hiệu quả của khu vực này.
Một chuyên gia kinh tế đề nghị, để kiểm soát đà tăng quá mạnh của nợ công, cần phải siết lại kỷ cương, kỷ luật tài khóa bằng cách quy trách nhiệm cho người đứng đầu, không có chuyện quy cho tập thể. Thứ hai là các bộ, ngành, địa phương phải lập ngân sách dựa trên kết quả, không phải dựa trên nhu cầu vốn. Thứ ba là đẩy mạnh, đẩy nhanh công tác lập ngân sách vốn trung hạn và kế hoạch đầu tư trung hạn và phải kết nối hai cái này lại với nhau...