Nỗ lực khơi thông các hoạt động của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu về bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tổng cầu suy giảm là điều đáng quan ngại nhất đối với nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp. Mục tiêu tăng trưởng GDP trong cả năm nay sẽ rất thách thức, song cần tiếp tục nỗ lực khơi thông các hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là giải ngân đầu tư công.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay ở mức khá thấp so với những năm trước. Đâu là những điểm đáng quan ngại, thưa ông?

GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023, phản ánh bức tranh kinh tế Việt Nam rất khó khăn. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào tổng cầu từ bên ngoài, trong khi các đối tác thương mại lớn của chúng ta như Mỹ, EU, Trung Quốc đều suy giảm sức cầu chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Về tổng cầu trong nước, sau 2 năm chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, sức cầu bắt đầu phục hồi từ năm ngoái nhưng vẫn chưa đủ mạnh. So với cùng kỳ năm trước, tiêu dùng của hộ gia đình trong quý I tăng 3,01% và chỉ tăng 2,68% trong 6 tháng đầu năm nay do kinh tế trong nước gặp khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút. Mặt khác, tổng cầu trong nước còn thể hiện qua tích lũy tài sản. Trong quý I, tích lũy tài sản chỉ nhích lên 0,02%, gần như không tăng, và chỉ đạt mức tăng 1,15% trong 6 tháng đầu năm.

Về xuất nhập khẩu, dù xuất siêu hàng hóa lên đến 12 tỷ USD trong nửa đầu năm, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%, nhập khẩu giảm 18,2% là điều đáng ngại. Trong kim ngạch xuất khẩu, phần lớn hàng hóa xuất khẩu là nông sản, như gạo và các loại trái cây. Về nhập khẩu, với 97% kim ngạch nhập khẩu là tư liệu sản xuất, nhập khẩu giảm phản ánh hoạt động sản xuất của chúng ta đang trì trệ và còn nhiều khó khăn.

Một điểm khác trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy hoạt động sản xuất gặp nhiều trở ngại là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ đạt 0,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng yếu do sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao.

Những khó khăn trên khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng và phải dừng hoạt động. Xin chia sẻ quan điểm của ông về thực trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong nửa đầu năm nay?

Trong nửa đầu năm nay, có 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, cũng có 113.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường. Như vậy, cứ 11 doanh nghiệp tham gia thị trường thì có 10 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều đó phản ánh đúng thực tế về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Họ đang thiếu vốn, thiếu đầu ra cho sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp lớn đã sa thải công nhân. Đây là điều đáng quan ngại.

Trong bức tranh kinh tế nhiều khó khăn, vẫn có thể nhận thấy điểm sáng nổi bật là nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là giải ngân đầu tư công. Ảnh: Tường Lâm

Trong bức tranh kinh tế nhiều khó khăn, vẫn có thể nhận thấy điểm sáng nổi bật là nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là giải ngân đầu tư công. Ảnh: Tường Lâm

Trong bức tranh kinh tế nhiều khó khăn đó, vẫn có thể nhận thấy điểm sáng nổi bật là nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là giải ngân đầu tư công. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Đúng vậy, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, đặc biệt là giải quyết các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công là rất đáng ghi nhận. Nhờ đó, khối lượng thực hiện đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 232,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số rất lớn, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2023.

Theo ông, mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% của năm nay có khả thi không?

Nửa cuối năm nay, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, sức cầu trong nước đã và đang được thúc đẩy bằng nhiều giải pháp như cắt giảm thuế, phí, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, song tổng cầu chưa thể tăng mạnh trong thời gian tới. Do đó, mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 6 - 6,5% là khó đạt được.

Dựa trên điều kiện thực tế, việc đạt được mức tăng trưởng từ 4,5 - 5% trong năm nay đã là rất thành công. Để đạt được mức tăng trưởng này, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp kích cầu trong nước, việc nỗ lực giải ngân đầu tư công vẫn là điểm quan trọng nhất. Theo tính toán, cứ 1% giải ngân đầu tư công năm nay cao hơn năm trước thì đóng góp vào tăng trưởng GDP 0,058%. Như vậy, nếu giải ngân được 95% kế hoạch nguồn vốn có thể thúc đẩy tăng trưởng 1,2 - 1,3%, bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng tổng cầu thế giới.