Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới được dự báo ghi nhận mức cao kỷ lục trong năm 2023. Ảnh: Tường Lâm |
Nỗ lực trong khó khăn
Đề cập về tình hình đăng ký DN 11 tháng năm 2023, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, dù thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức, các DN vẫn không ngừng nỗ lực. Theo đó, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng năm 2023 cao gấp 1,3 lần số DN rút lui khỏi thị trường.
Cụ thể, trong 11 tháng, cả nước có 201.529 DN thành lập mới và gia nhập thị trường, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần mức bình quân DN gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018 - 2022 (164.525 DN). Trong đó, có 146.044 DN đăng ký thành lập mới, tiệm cận với mức 148.500 DN của cả năm 2022 ; 55.485 DN quay trở lại hoạt động ở hầu hết các ngành kinh tế.
Điểm đáng chú ý, trong số 17 ngành kinh tế thì có tới 12 ngành có số DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 3/6 khu vực trên cả nước ghi nhận số DN đăng ký thành lập tăng (Trung du và miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng).
Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 11 tháng năm 2023 là 974.118 người, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số DN quay trở lại hoạt động cũng tăng ở 9/17 ngành kinh tế.
Tính chung, tổng số vốn đăng ký kinh doanh bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng 2023 đạt 3,15 triệu tỷ đồng.
Nhìn từ số liệu 11 tháng, số DN đăng ký thành lập mới nhiều khả năng sẽ thiết lập kỷ lục trong năm 2023. “Kết quả này đến từ những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN; bên cạnh đó là sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng DN”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận xét.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng ấn tượng về số DN thành lập mới đang góp phần tạo thêm cơ hội việc làm, được thể hiện qua số lao động đăng ký của nhóm DN này trong tháng 11/2023 tăng 26,6% và trong 11 tháng năm 2023 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, thị trường lao động tiếp tục có dấu hiệu phục hồi sau khoảng thời gian khó khăn. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ, giãn việc, thôi việc, mất việc diễn ra từ quý IV/2022 đã “hạ nhiệt” trong quý III/2023.
Chưa hết khó
Bên cạnh những điểm sáng trên, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn, thách thức, với 158.763 DN rút lui khỏi thị trường trong 11 tháng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số này, có hơn 85.400 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2022; hơn 51.000 DN chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,3%...
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN dệt may vừa diễn ra, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết, kim ngạch xuất khẩu toàn Ngành năm 2023 dự kiến đạt trên 40 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.
Với ngành thép, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận sản xuất thép thô 10 tháng đầu năm 2023 giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi bán hàng các sản phẩm thép giảm 15%…
Theo một số DN sản xuất thép, sức cầu thị trường còn yếu, nợ đọng xây dựng chưa được giải quyết, giá nguyên liệu đầu vào và giá bán lẻ điện gia tăng đã tạo thêm áp lực cho các DN trong Ngành. Ứng phó với tình hình này, trong tháng 11/2023, nhiều DN như: Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên; Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên; Công ty CP Tập đoàn Sản xuất Thép Việt Đức… liên tiếp có thông báo gửi khách hàng về việc điều chỉnh tăng giá bán một số sản phẩm thép với mức tăng từ 100.000 - 300.000 đồng/tấn.
Khó khăn về vốn cũng in hằn trong các số liệu. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 11 tháng năm 2023 chỉ đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất trong 11 tháng kể từ năm 2017 đến nay. Nếu so sánh cùng kỳ năm 2021 và 2020, tỷ lệ giảm tương ứng là 32,1% và 38,1%.
Trước những khó khăn trên, Chủ tịch VITAS kiến nghị cấp thẩm quyền tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết, làm phát sinh chi phí cho DN. Một số DN thép kiến nghị cấp thẩm quyền cần nỗ lực khơi thông thị trường bằng việc tiếp tục giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, hỗ trợ tiếp cận tín dụng…
Đề xuất với Chính phủ, Cơ quan đăng ký kinh doanh kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh… “Để đảm bảo quyền lợi DN khi chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), nên có chính sách bổ sung phần lãi suất cho DN đối với giá trị hoàn thuế VAT bị chậm theo lãi suất mà doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng để vay vốn”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đề xuất.