Nỗ lực về đích ấn tượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự nỗ lực vượt bậc của các địa phương nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao trong thời gian qua đã góp phần đưa đấu thầu qua mạng (ĐTQM) ngày càng phổ biến sâu rộng. Trên hành trình ấy, bên cạnh các địa phương duy trì được thành tích nổi bật, thì kết quả thực hiện ĐTQM tại nhiều tỉnh/thành cho thấy sự gia tăng nhảy vọt về số lượng và tổng giá trị các gói thầu, giúp các địa phương này bứt tốc ngoạn mục về thứ hạng qua các năm.
7 tháng đầu năm nay, Lào Cai đã chọn nhà thầu qua mạng 252 gói thầu, với tổng giá gói thầu 1.719 tỷ đồng, đạt 100% số gói thầu trong hạn mức đấu thầu qua mạng. Ảnh: Ngọc Bằng
7 tháng đầu năm nay, Lào Cai đã chọn nhà thầu qua mạng 252 gói thầu, với tổng giá gói thầu 1.719 tỷ đồng, đạt 100% số gói thầu trong hạn mức đấu thầu qua mạng. Ảnh: Ngọc Bằng

Giữ vững vị thế dẫn đầu

Năm 2021, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều hoàn thành và vượt xa mọi chỉ tiêu thực hiện ĐTQM tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ và lộ trình tại Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT, trong đó, nhiều địa phương đạt được kết quả triển khai cực kỳ ấn tượng. Bước sang năm 2022, bằng sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong việc thực thi các biện pháp nhằm tăng cường thực hiện ĐTQM, nhiều địa phương duy trì được thành tích nổi bật.

Năm 2021, Bình Phước là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ số gói thầu ĐTQM. Theo đó, các đơn vị trên địa bàn Tỉnh đã thực hiện ĐTQM đối với 708 gói thầu, chiếm 99,44% trong tổng số các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh. Không chỉ dẫn đầu về tỷ lệ số gói thầu ĐTQM, Bình Phước cũng được ghi nhận nằm trong “top 3” địa phương dẫn đầu (sau Long An và Cà Mau) về tỷ lệ giá trị gói thầu, với tổng giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM đạt 5.751 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 98,08%. Bước sang năm 2022, Bình Phước đang tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu khi tỷ lệ thực hiện ĐTQM 7 tháng đầu năm đạt 99,71% về số lượng và 99,99% về giá trị gói thầu.

Sau Bình Phước, Đồng Nai là địa phương đứng vị trí thứ 2 cả nước xét về tỷ lệ số lượng gói thầu ĐTQM trong năm 2021. Theo đó, việc áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2021 được triển khai đối với 278 gói thầu đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh, với tổng giá gói thầu 1.489 tỷ đồng. Tỷ lệ số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM là 99,29% và tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM là 87,58%. 7 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai đã ĐTQM đối với 120/121 gói thầu đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh, đạt tỷ lệ 99,17%. Xét về giá trị, con số này cũng ghi nhận tỷ lệ rất cao, lên tới 96,47%.

Vị trí còn lại trong “top 3” dẫn đầu năm 2021 thuộc về Kiên Giang với tổng số 229 gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, tương đương với tỷ lệ 98,71%. Xét về giá trị, Kiên Giang được ghi nhận nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu với tỷ lệ 93,29%, tương ứng 637 tỷ đồng. Năm 2022, không những giữ vững được phong độ, Kiên Giang đang vươn lên vị trí dẫn đầu khi tỷ lệ số gói thầu và giá trị gói thầu áp dụng ĐTQM hiện đều đạt 100% (số liệu tính đến tháng 7/2022).

Bên cạnh đó, một số địa phương nằm trong “top 10” năm 2021 cũng đang duy trì được thứ hạng cao trong trong 7 tháng đầu năm nay như: Long An (100% số lượng/giá trị gói thầu); Thanh Hóa (98,88% số lượng gói thầu; 95,04% giá trị gói thầu); Tuyên Quang (98,97% số lượng gói thầu; 99,92% giá trị gói thầu).

“Lội ngược dòng” ngoạn mục

Năm 2019, kết quả thực hiện ĐTQM của tỉnh Cà Mau rất khiêm tốn khi chỉ đạt 35,2% số lượng gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng, không đạt chỉ tiêu tối thiểu là 50% được quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Bước sang năm 2020, Cà Mau “lội ngược dòng” vươn lên xếp vị trí thứ 9 cả nước về tỷ lệ số lượng gói thầu ĐTQM (90,6%) và xếp thứ 6 cả nước về tỷ lệ giá trị gói thầu ĐTQM (76,8%). Năm 2021, Cà Mau đã triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng 535 gói thầu với tổng giá hơn 1.978 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 98,53% về số lượng và 98,41% về giá trị gói thầu ĐTMQ, xếp thứ 4 cả nước. Đà tăng trưởng mạnh mẽ tiếp tục được địa phương này khẳng định trong 7 tháng đầu năm 2022, với tỷ lệ 99,12% số lượng gói thầu được ĐTQM.

Để có được “trái ngọt” này phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, sự chặt chẽ trong kiểm soát khâu thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố và sự cố gắng của các chủ đầu tư trên địa bàn Tỉnh. Với sự nỗ lực, đồng lòng, Tỉnh kỳ vọng sẽ giữ vững được vị trí nằm trong nhóm các tỉnh/thành đứng đầu cả nước về tỷ lệ áp dụng ĐTQM những năm tiếp theo.

Theo báo cáo, tính đến tháng 7/2022, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã lựa chọn nhà thầu qua mạng 252 gói thầu đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh, với tổng giá gói thầu 1.719 tỷ đồng, chiếm 100% số lượng/giá trị gói thầu trong hạn mức ĐTQM. Với thành tích tuyệt đối này, Lào Cai đang nằm trong nhóm các địa phương xếp thứ nhất cả nước về thực hiện ĐTQM 7 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, 3, 4 năm trước, Lào Cai vẫn còn ở vị trí rất khiêm tốn trong xếp hạng về ĐTQM khi không thể hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, năm 2018, toàn Tỉnh có 147 gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng, chiếm 4,6%, rất thấp so với lộ trình nêu tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính (tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế).

Ban đầu, do hạ tầng công nghệ thông tin cũng như kiến thức chuyên môn về đấu thầu của nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu còn hạn chế, nên kết quả thực hiện ĐTQM ở Lào Cai còn thấp. Nhằm đẩy mạnh công tác ĐTQM, ngay từ đầu năm 2020, Tỉnh đã có Công văn 710/UBND-QLĐT chỉ đạo để đẩy mạnh thực hiện ĐTQM đáp ứng yêu cầu của Chính phủ. Tiếp đó, để đảm bảo triển khai tốt công tác ĐTQM trong năm 2022, Tỉnh đã quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từ bên mời thầu, chủ đầu tư, đến cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan thanh tra; yêu cầu các bên liên quan tích cực đẩy mạnh ĐTQM; tuân thủ nghiêm các quy định về công bố thông tin trong đấu thầu. UBND tỉnh Lào Cai cũng cho biết, thời gian tới dự kiến sẽ phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu, đảm bảo lộ trình ĐTQM năm 2022.

Một địa phương khác cũng ghi nhận sự bứt tốc trong thực hiện ĐTQM có thể kể đến là Bắc Kạn. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn, năm 2018, Tỉnh triển khai 912 gói thầu thì chỉ có 26 gói thầu ĐTQM, chiếm 2,7% tổng số gói thầu, nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ số lượng gói thầu ĐTQM thấp nhất cả nước lúc bấy giờ (sau Lạng Sơn - tỷ lệ 2%; Hải Phòng - tỷ lệ 3%; Hà Tĩnh - tỷ lệ 0,7%). Bên cạnh đó, tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu của địa phương này cũng rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước; số gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu còn lớn… Tuy nhiên, bước sang năm 2021, tỷ lệ ĐTQM tại địa phương này đều vượt xa chỉ tiêu được giao. Cụ thể, đạt 95,81% về số lượng gói thầu và 62,3% tổng giá trị gói thầu các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh. 7 tháng đầu năm 2022, Bắc Kạn thực hiện ĐTQM 140/141 gói thầu, chiếm tỷ lệ 99,29%, với tổng giá trị gói thầu 1.164 tỷ đồng, đạt 98,21%.

Kết quả trên một mặt thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trong công tác ĐTQM, mặt khác thể hiện ý thức chấp hành quy định pháp luật về đấu thầu nói chung và chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu thầu của các chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình ĐTQM theo yêu cầu của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục