Nợ người dân 400 lô đất tái định cư: Nhà máy Alumin Nhân Cơ phập phù sản lượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 7 năm sau khi đưa vào vận hành thương mại, Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV) rơi vào cảnh sản xuất phập phù, thiếu nguyên liệu, giảm sản lượng.
Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 1/7/2017. Ảnh: Lê Vương
Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 1/7/2017. Ảnh: Lê Vương

Người dân cản đường vận chuyển quặng

Đầu năm 2024, Nhà máy dừng sản xuất 36 giờ trong các ngày 4/1 và 12/1 do thiếu nguyên liệu để tinh chế. Nguyên nhân là người dân cản trở việc vận chuyển, khai thác quặng bô xít.

Trước đó, năm 2023, tình trạng người dân chặn xe, cản trở quá trình khai thác bô xít diễn ra 24 lần, rơi vào các tháng cao điểm sản xuất cuối năm. Hệ quả là Nhà máy phải dừng hoạt động hơn 311 giờ, tương đương 13 ngày vận hành liên tục, gây ảnh hưởng đến sản lượng và kết quả sản xuất. Báo cáo cuối năm 2023 của Công ty Nhôm Đắk Nông cho thấy, khối lượng quặng bô xít (nguyên khai) khai thác năm 2023 đạt hơn 3,48 triệu tấn, giảm gần 4% so với năm 2022. Tổng sản lượng alumin quy đổi trong năm 2023 đạt hơn 712.000 tấn, thấp hơn 28.000 tấn so với năm 2022.

Nguyên nhân thiếu hụt nguyên liệu, giảm sản lượng, theo báo cáo, là do người dân chưa bàn giao mặt bằng phần khai khoáng, cản trở quá trình khai thác quặng và vận chuyển quặng về Nhà máy. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do chưa bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ dân, áp mức giá đền bù thấp, không đủ cho người dân mua diện tích đất mới để sản xuất kinh doanh.

Theo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) - đơn vị đảm nhận công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), TĐC dự án này, mức giá bồi thường áp dụng theo bảng giá từ năm 2019. Người dân cho rằng, mức giá này không còn phù hợp bởi giá cây trồng đã tăng rất nhiều so với 5 năm trước. Vì vậy, nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng và tiếp tục sản xuất, kinh doanh trên phần diện tích bị ảnh hưởng.

Khu tái định cư vướng quy hoạch

Làm việc với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và TKV mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho hay, với Dự án Alumin Nhân Cơ, địa phương đang nợ người dân hơn 400 lô đất TĐC. Để có đất bố trí cho người dân làm nhà ở, từ tháng 11/2022, HĐND Tỉnh đã thông qua 6 nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án TĐC tại huyện Đắk R’lấp với tổng mức đầu tư hơn 523 tỷ đồng từ ngân sách Tỉnh. Nguồn vốn do TKV tự nguyện ứng trước. Tổng diện tích 6 khu TĐC là 52,75 ha, trong đó diện tích bố trí TĐC là 25,97 ha/1.146 lô.

Trong 6 khu TĐC này, duy nhất khu TĐC thôn 11, xã Nhân Cơ không vướng quy hoạch bô xít và có thể triển khai ngay. 5 khu TĐC còn lại vướng quy hoạch bô xít, phải xin ý kiến Trung ương mới được triển khai, nhưng hiện chưa có phản hồi.

Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng tháng 2/2010. Nhà máy có tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, cho ra sản phẩm đầu tiên vào tháng 10/2016 và hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại ngày 1/7/2017.

Dù không vướng quy hoạch, khu TĐC thôn 11 vẫn gặp vướng mắc về GPMB. Do chưa xong thủ tục đầu tư nên chưa có khu TĐC nào được xây dựng. Theo tỉnh Đắk Nông, khai thác bô xít rất đặc thù, sau khi múc lớp đất mặt về nhà máy sàng lọc, tinh chế là có thể hoàn thổ. Số quỹ đất hoàn thổ này sau đó trả cho địa phương để bố trí TĐC thì sẽ không phải tìm vị trí khác, tránh vướng quy hoạch bô xít.

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Công ty Nhôm Đắk Nông đã có hơn 300 ha đất hoàn thổ sau khi khai thác bô xít. Trên phần đất này, doanh nghiệp trồng cây keo nhưng không hiệu quả. UBND tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần kiến nghị Trung ương đồng ý để công ty này giao lại phần đất đã hoàn thổ cho Tỉnh xây dựng khu TĐC cho dân. Tuy nhiên đến nay, kiến nghị của Tỉnh vẫn chưa được giải quyết.

Theo Đề án Phát triển tổng thể lĩnh vực bauxite - alumin - nhôm của TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, TKV sẽ tập trung đầu tư mở rộng nâng công suất Tổ hợp Alumin Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn alumin/năm; đầu tư mới Tổ hợp Bauxite - Alumin - Nhôm Đắk Nông 2 có công suất 2 triệu tấn alumin/năm và 0,5 - 1 triệu tấn nhôm/năm đến năm 2030. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện tại về công tác bồi thường, GPMB để thu hồi đất phục vụ Dự án, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, Tập đoàn TKV cần rút kinh nghiệm, xây dựng các phương án cụ thể, chi tiết và linh hoạt, sáng tạo trong công tác bồi thường, hỗ trợ để người dân đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện hiệu quả các dự án.