Nợ xấu nội bảng đã tăng hơn 19%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 9/2021, tổng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 219,98 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cuối năm 2020, chiếm 1,9% tổng dư nợ. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 9/2021, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 366,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Nợ xấu nội bảng đã tăng hơn 19%

Theo ông Lê Trung Kiên, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, trung bình, mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm những đơn vị là khách hàng trực tiếp của các ngân hàng. Giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2016 - 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng đã giảm từ 1,99% vào cuối 2017 xuống 1,9% năm 2018 và 1,63% năm 2019.

Tuy nhiên, con số nợ xấu này tăng trở lại lên 1,69% vào cuối 2020 và lên 1,9% cuối tháng 9 năm nay - gần như quay lại mức của năm 2017 cho thấy tác động ghê gớm của đại dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, nhất là tác động của đợt dịch lần thứ 4 này, có thể sẽ gia tăng nhanh.

2 năm gần đây, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cầu, kéo theo kinh tế xã hội đi xuống. "Trong bối cảnh vừa chống dịch vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn, chắc chắn khó khăn của doanh nghiệp sẽ kéo theo khó khăn của các ngân hàng. Nợ xấu sẽ tăng lên trong thời gian tới", ông Hùng nhận định.

Thời gian qua, NHNN đã ban hành 3 Thông tư 01, 03, 14 quy định về cơ cấu nợ, giãn nợ. "Trên 600 nghìn tỷ đã được cơ cấu nợ, nhưng đây mới chỉ là số liệu bước đầu. Từ nay đến cuối năm hoặc sang năm 2022, con số này sẽ còn lên cao nữa, bởi dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Và bản chất nợ được cơ cấu là nợ xấu", ông Hùng cho biết.

Theo ước tính của nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam, nợ xấu toàn phần (bao gồm cả các khoản nợ có khả năng tái cơ cấu) có thể ở mức khoảng 7,8% vào cuối năm 2021. Tình hình giãn cách xã hội nghiêm ngặt (trong hầu hết quý III/2021) đã gây ra áp lực đáng kể lên chất lượng tài sản. Nhiều ngân hàng cho biết tỷ lệ nợ xấu tăng đáng kể với mức tăng trung bình khoảng 29% đối với 17 ngân hàng niêm yết.

Tin cùng chuyên mục