“Nói không với dự án đầu tư công có mùi lợi ích nhóm”

(BĐT) - Ngân sách và đầu tư công có vai trò là nguồn lực và động lực cho phát triển, nhưng nếu không quản lý tốt sẽ thành nguồn lợi cho không ít cán bộ, công chức, doanh nghiệp tham nhũng. Họ xà xẻo, xâu xé sau đó dự án thành những cái xác chưa chôn, đắp chiếu.

Ông Trương Trọng Nghĩa – đại biểu Quốc hội đoàn TP. HCM

Ông Trương Trọng Nghĩa – đại biểu Quốc hội đoàn TP. HCM, thẳng thắn nêu ra trên nghị trường. 

Dự án nghìn tỷ thua lỗ, sai lầm chỉ ra như điều đương nhiên

Ông Nghĩa dẫn ra ví dụ 5 dự án nghìn tỷ do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện chậm tiến độ, kém hiệu quả và đã tiêu tốn hay thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng nhiều sai lầm, khuyết điểm được trình bày như điều đương nhiên, nghe rất quen thuộc như: nhà thầu hạn chế năng lực, giá và thị trường diễn biến không thuận lợi, xa vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không ổn định... Truy xét kỹ thì sẽ thấy nhiều khuyết điểm chủ quan, từ khâu đệ trình đến phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án. Báo cáo của Chính phủ không chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), thì băn khoăn, tinh thần của Chính phủ là “công khai, minh bạch” nhưng khi ông tiếp nhận thông tin về 5 dự án lớn thua lỗ, dù ai cũng đã biết song vẫn đóng dấu “mật”.

Ông Phương cho rằng, khi phát hiện có vấn đề thì phải xử lý nghiêm túc, có địa chỉ và quy trách nhiệm thì mới thuyết phục, chứ chỉ nói một số nơi, một bộ phận… thì ai cũng nghĩ là không phải đề cập đến mình. 

Cán bộ tham nhũng, không thể cải thiện đầu tư công

Vốn đầu tư công muốn sử dụng hiệu quả phải triệt để chống tham nhũng, kiên quyết nói không với những dự án đầu tư công có mùi lợi ích nhóm… Không xây dựng được Chính phủ liêm chính và không chống được tham nhũng trong cán bộ công chức, mọi giải pháp cải thiện hiệu quả đầu tư công, cải thiện ngân sách, đều chỉ là những tiếng vang trong không khí như Lênin đã từng ví von về sự bất lực của luật pháp”.
Nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là người thực thi, ông Trương Trọng Nghĩa khuyến nghị, khâu đầu tiên phải cải cách là cơ chế xét duyệt mục đích và chủ trương đầu tư. Không quốc gia nào kể cả những nước phát triển có đủ ngân sách đáp ứng nhu cầu đầu tư công. Nếu chỉ xét về tính cần thiết để phê duyệt, không dự án nào không cần thiết, sân bay, bến cảng, đường sá, trường học, bệnh viện, công viên, thậm chí vệ tinh, tàu ngầm, thám hiểm vũ trụ đều cần thiết cả. Đường sắt cao tốc cũng cần mà cầu treo cho đồng bào miền núi cũng cần, điện hạt nhân cũng cần và đường điện đến tận xóm làng xa xôi cũng cần. Do đó, việc chọn và xét duyệt mục tiêu đầu tư đòi hỏi nhận thức và tầm nhìn chiến lược đúng đắn, cách làm khách quan hợp lý và hài hòa.

Theo đại biểu Nghĩa, trong việc này cách xét duyệt và người xét duyệt rất quan trọng. Đây cũng là một điểm cần đến sự liêm chính của Chính phủ. Nhiều dự án có vấn đề về nguồn vốn, về hiệu quả, về năng lực nhà thầu, về năng lực chủ đầu tư, nếu chúng ta xét duyệt kỹ thì phải bác bỏ hoặc là chưa cho triển khai, từ đó tránh được nhiều tổn thất lãng phí. Ngoài ra, phải có cơ chế giám sát chặt quá trình triển khai dự án, thi công nghiệm thu để kịp thời chấn chỉnh, ứng phó các vấn đề phát sinh.