“Nóng” chuyện tăng vốn của ngân hàng lớn

(BĐT) - Nhiều ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị tiến hành họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vào tháng 4 năm nay. Không khó để nhận ra, nội dung tăng vốn điều lệ sẽ vẫn là trọng tâm, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước, khi thời điểm áp dụng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn vào đầu năm 2020 không còn xa.
Cổ đông chiến lược sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi
Cổ đông chiến lược sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi

Áp lực tăng vốn

Theo báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 11/2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (hệ số CAR) của khối NHTM có vốn nhà nước vào khoảng 9,4%. Còn đối với NHTM cổ phần là 11,13%. Để đạt tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ này cần đạt mức tối thiểu 8%, tuy nhiên việc tính toán lại phức tạp hơn. Báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, nếu áp dụng cách tính của Basel II, CAR của các ngân hàng có thể giảm từ 1 - 3%.

Với quy mô chiếm tỷ trọng khoảng 1/2 tổng tài sản và 40% hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng, thành công hay thất bại của việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II phụ thuộc chủ yếu vào 3 NHTM có vốn nhà nước chi phối gồm VietinBank, BIDV và Vietcombank.

Câu chuyện tăng vốn không còn là mới khi mà nhiều kế hoạch tăng vốn trong các năm qua đã không thể thực hiện hoặc mới chỉ thực hiện được một phần.

Trong số các ngân hàng trên, cho tới nay chỉ có Vietcombank là được NHNN công nhận áp dụng tiêu chuẩn Basel II trước thời hạn. Việc bán một phần vốn cho đối tác nước ngoài khiến áp lực tăng vốn của ngân hàng này được giảm bớt. Dù vậy, Vietcombank sẽ vẫn trình ĐHĐCĐ về phương án tăng vốn điều lệ năm 2019 trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 26/4 tới.

Tương tự, áp lực tăng vốn của BIDV phần nào được giảm bớt khi ngân hàng này đã đạt được thỏa thuận phát hành 603 triệu cổ phiếu cho đối tác ngoại là Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc trong năm 2019.

Còn với VietinBank, trong cuộc diện kiến Thủ tướng Chính phủ mới đây, cổ đông chiến lược Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh. Đại diện của Ngân hàng MUFG cho rằng, việc này hết sức cấp thiết và mong Chính phủ Việt Nam ủng hộ. Tuy vậy, cho đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính thức về phương án tăng vốn cụ thể.

Còn nhớ, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 diễn ra vào đầu năm nay, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, do tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 tới nay, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế đang tăng lên rất lớn. Chỉ số tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ đạt mức 6,1% cho cả năm 2018.

Chia sẻ của người đứng đầu VietinBank phần nào cho thấy sự cấp thiết phải tăng vốn của ngân hàng này trong thời gian tới. 

Có dễ tăng vốn?

Ngoài việc tìm cổ đông chiến lược để bán vốn, phương án được đề cập gần đây nhất là trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Cũng theo ông Lê Đức Thọ, việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế sẽ đặc biệt khó khăn khi nguồn vốn của ngân hàng không được đáp ứng đủ. Để giải quyết nhu cầu tăng vốn (cụ thể là vốn điều lệ) cho VietinBank, một trong những giải pháp được ông Thọ đề nghị là chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là đề nghị của Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019.

Với khoản lợi nhuận trước thuế kỷ lục 18.100 tỷ đồng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ có đóng góp lớn cho vốn điều lệ của Vietcombank trong năm nay. Theo tính toán của Báo Đấu thầu, cổ tức bằng tiền mặt mà ngân sách nhà nước thu về trong 3 năm (2015 - 2017) từ việc chia cổ tức của Vietcombank lên đến hơn 6.494 tỷ đồng.

Tuy vậy, với việc sở hữu lượng cổ phần chi phối, cổ đông Nhà nước mới là người có quyền quyết định việc trả cổ tức bằng tiền hay bằng cổ phiếu. Và phương án được lựa chọn thường là tiền mặt.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, VietinBank đã chọn phương án không chia cổ tức năm 2015. Hay BIDV cũng chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã gửi công văn tới người đứng đầu NHNN thực hiện “chỉ đạo” người đại diện phần vốn nhà nước tại VietinBank và BIDV biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt để bổ sung nguồn thu vào ngân sách nhà nước.

Trong 3 năm qua, trong khi các NHTM cổ phần dễ dàng được cổ đông thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, các NHTM có vốn nhà nước vì nhiều nguyên nhân và các điều kiện ràng buộc lại khó có thể thực hiện tăng vốn theo phương thức này.

Tin cùng chuyên mục