Ổn định vĩ mô để thúc đẩy phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều nhận định, nền kinh tế trong quý đầu năm 2022 đã có sự phục hồi tích cực, không lỡ nhịp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, thời gian tới, còn tiềm ẩn rủi ro về ổn định vĩ mô, có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Sự chủ động ứng phó là cần thiết để không làm chậm lại đà phục hồi.
Trong quý I/2022, 35,8% doanh nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tăng so với quý IV/2021. Ảnh: Lê Tiên
Trong quý I/2022, 35,8% doanh nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tăng so với quý IV/2021. Ảnh: Lê Tiên

Khó khăn, thách thức lớn

Những số liệu kinh tế của quý I/2022 đã được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy kinh tế quý đầu năm đang hồi phục tích cực, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch Covid-19. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép...

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thời gian tới, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá dầu tăng cao từ cuối tháng 2 tác động dây chuyền lên giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logistics, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu… Chỉ số CPI tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, cao nhất từ năm 2012 đến nay, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tính toán sơ bộ của Bộ KH&ĐT cho thấy, giá dầu 100 USD/thùng sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023, làm giảm tốc độ tăng trưởng lần lượt là 0,12 và 0,27 điểm %, lạm phát tăng thêm 0,5 điểm % mỗi năm, xuất khẩu giảm lần lượt 0,57% và 1,1%. Do vậy, cần điều hành linh hoạt, kịp thời giá xăng dầu trong nước, đồng thời bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, theo dõi sát sao để có thể xử lý kịp thời.

Giải ngân đầu tư công thấp hơn cùng kỳ năm 2021. Tình hình doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn do chi phí đầu vào, logistics tăng cao trong khi sức cầu tiêu thụ yếu, còn khó khăn về tài chính, tuyển dụng lao động… Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2022, 35,8% doanh nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tăng so với quý IV năm 2021 (24,9%).

Mới đây, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tháng 3/2022, Ngân hàng Thế giới nhận định, mặc dù nền kinh tế tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi, nhưng rủi ro đã tăng cao do các ca nhiễm Omicron đang quét qua cả nước và xung đột Nga - Ukraine gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu…

Còn theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Ngoài ra, những diễn biến khó lường của tình hình địa chính trị trên thế giới cũng góp phần làm tăng áp lực lạm phát. Dự kiến, trong thời gian tới, nhập khẩu đầu vào sẽ khó khăn hơn, do giá nhập khẩu và chi phí thương mại vẫn đang tăng…

Nâng cao năng lực, chủ động ứng phó rủi ro

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 vừa diễn ra, nhận định thời gian tới nền kinh tế Việt Nam đứng trước cả cơ hội và khó khăn thách thức, nhưng khó khăn thách thức lớn hơn cơ hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần theo dõi chặt chẽ, chủ động nghiên cứu, dự báo, có phương án ứng phó đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải chuẩn bị sẵn sàng kịch bản ứng phó với những ảnh hưởng, tác động bởi xung đột tại Ukraine, báo cáo cấp có thẩm quyền khi cần thiết.

Thủ tướng yêu cầu bằng mọi biện pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, quyết liệt thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Đề xuất nhiều giải pháp điều hành thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả, quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để phát triển đất nước. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công với nhiều giải pháp mạnh hơn. Đồng thời, xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng bởi do tác động của đại dịch Covid-19, cải cách môi trường kinh doanh từ năm 2020 có xu hướng chững lại. Thậm chí, một số rào cản kinh doanh đã bị bãi bỏ đang có xu hướng khôi phục; một số điều kiện kinh doanh mới được bổ sung. Hiện tượng này có thể làm xói mòn các kết quả cải cách đạt được trong thời gian qua, nhất là trên lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành…

Tin cùng chuyên mục