Ổn định vĩ mô tạo nền tảng cho hồi phục kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù nền kinh tế chịu tác động đáng kể từ dịch Covid-19 song chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã và đang giúp củng cố sức bền, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tạo đà cho sự hồi phục kinh tế từ năm sau.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tổn thất và bù đắp

Dịch Covid-19 đang tác động đến các nền kinh tế trên thế giới theo nhiều khía cạnh khác nhau, tạo ra thách thức vô cùng lớn đối với các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,81%, mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011 - 2020.

Trong 7 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, bất ổn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn. Kết quả, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Nhiều dự báo cho rằng, trong giai đoạn tới, hoạt động thương mại sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, đặc biệt ở các thị trường xuất khẩu chính.

Theo quan điểm của PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khó khăn vẫn ở phía trước, thậm chí khó khăn lớn nhất của kinh tế Việt Nam có thể còn chưa đến bởi thế giới hiện vẫn chưa nối lại được chuỗi cung ứng, vắc-xin cho Covid-19 vẫn chưa được sử dụng, những điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), nhờ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh tốt nên kinh tế trong nước không bị gián đoạn nhưng sức mua sắp tới sẽ yếu. “Thực tế, sức mua trên thị trường mới chịu tác động vòng 1 do giãn cách xã hội nên người dân không có cơ hội mua sắm dù vẫn có nhu cầu và khả năng chi trả. Tuy nhiên, từ quý III năm nay đến quý I/2021, sức mua mới chịu tác động mạnh khi thu nhập của người lao động giảm rõ rệt”.

Mặc dù vậy, ông Thành cho rằng, vẫn có những điểm bù đắp tích cực cho những khó khăn trên. Theo đó, nhờ hoạt động xuất khẩu vẫn được duy trì nên ngành sản xuất, chế biến, chế tạo không bị gián đoạn nhiều. Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc, khả năng kết nối với chuỗi sản xuất từ Hàn Quốc và Nhật Bản giúp duy trì sản xuất công nghiệp.

“Xuất khẩu giảm ở một số thị trường nhưng lại được bù đắp từ một số thị trường khác như Mỹ và Trung Quốc. Nhờ xuất khẩu giữ được đà tăng và nhập khẩu giảm nên dự báo năm nay xuất siêu sẽ ở mức cao. Đây cũng là yếu tố giúp củng cố ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành cho biết.

Mặt khác, theo ông Thành, nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công đang bù đắp đáng kể sự suy giảm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân.

Lựa chọn và ưu tiên

Dù dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến nền kinh tế, khiến dự báo tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở mức rất thấp so với những năm qua, song nhiều ý kiến cho rằng, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ sẽ giúp kinh tế đứng vững, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp khắc phục khó khăn và bứt phá sau dịch.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, cũng như nhiều nước khác, Chính phủ Việt Nam thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng ở mức độ vừa phải để cân đối với tiềm lực tài chính và mục tiêu chính là ổn định vĩ mô. Đến nay, kinh tế vĩ mô rất ổn định với chỉ số lạm phát tăng nhẹ và giá cả các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát, tỷ giá USD/VND gần như không thay đổi tính từ đầu năm, dự trữ ngoại hối dự kiến ở mức cao…

Nhiều dự báo cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 là rất cao với 2 điều kiện là kiểm soát tốt đại dịch và hệ thống ngân hàng vẫn đứng vững.

Bên cạnh đó, quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là ưu tiên chính sách của Chính phủ trong thời gian tới, vừa góp phần giữ đà tăng trưởng, vừa hỗ trợ an sinh xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động, đồng thời hình thành kết cấu hạ tầng tốt cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch.

Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam vẫn còn nguồn lực và dư địa chính sách cho hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhờ được tích lũy trong những năm qua. Tuy nhiên, dự báo khó khăn vẫn còn ở phía trước nên không thể “tất tay” trong các chính sách vĩ mô, mà phải cân đong thời điểm và liều lượng.

Từ góc độ khác, TS. Ngô Minh Hải, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng thuộc Đại học Văn Lang cho rằng, thực tiễn thời gian qua cho thấy, Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh và kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô. Đây là điều cần thiết để thúc đẩy các động lực giúp nền kinh tế bứt phá trong giai đoạn tới. Các động lực được chỉ ra là nắm cơ hội từ làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư trên thế giới, triển vọng từ thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhu cầu hàng hóa thiết yếu trên thế giới sẽ tạo sức cầu tốt với hàng hóa Việt Nam sau khi dịch bệnh được khống chế.