Doanh nghiệp thủy sản đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ảnh: Ngọc Kỳ |
Vua tôm, Vua cá và vòng xoáy nợ nần
Quý II năm 2015, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC), vốn được biết đến với cái tên “Vua tôm Minh Phú” bất ngờ báo lỗ 15 tỷ đồng. Khoản lỗ này là không lớn, nhưng là dấu hiệu bắt đầu chuỗi ngày gian nan của Minh Phú. Trước đó, doanh nghiệp này đã có một giai đoạn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan. Thậm chí không lâu trước đó, trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2015, đại diện Minh Phú còn lạc quan cho biết, nhờ vị thế dẫn đầu thị trường tôm cả nước, doanh nghiệp này có khả năng điều tiết thị trường. Ông Lê Văn Quang (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú) tự tin vào tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 2015 của Công ty lần lượt đạt 28% và 54%.
Lý do chuỗi ngày lao dốc của Minh Phú, theo như chia sẻ của ông Lê Văn Quang, là do chính sách “giữ giá” đồng VND khiến hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ trở nên đắt tương đối so với các quốc gia mạnh dạn phá giá đồng nội tệ là Ấn Độ, Indonesia…
Vì phải bảo đảm bao tiêu cho nông dân, Minh Phú buộc phải tăng dự trữ hàng tồn kho. Điều này dẫn đến hệ lụy là các khoản nợ của công ty này tăng rất nhanh. Trong nửa đầu năm 2015, nợ vay dài hạn của Minh Phú đã tăng “một mạch” từ mức 500 tỷ đồng lên 2.975 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý I/2016, nợ vay dài hạn của Minh Phú đạt 3.471 tỷ đồng, ngắn hạn đạt 2.693 tỷ đồng. Tất cả hàng tồn kho của Minh Phú (trị giá 4.280 tỷ đồng) đều đã được dùng để bảo đảm cho các khoản vay ngắn và dài hạn tại ngân hàng.
Tính chung nợ phải trả cuối quý I/2016 của Minh Phú chiếm 74,6% tổng tài sản Công ty tại cùng thời điểm. Cũng trong quý đầu tiên năm 2016, Minh Phú lãi ròng 17,3 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ 2015. Kết quả khiêm tốn của Minh Phú chưa chịu tác động trực tiếp của các khoản nợ vay khi chi phí lãi vay vẫn chưa đủ sức ăn mòn lợi nhuận. Nợ vay là một trong những hậu quả của hoạt động kinh doanh bế tắc của Công ty. Không ai có thể khẳng định, về lâu dài nợ vay không gây “hậu họa” nếu Minh Phú không tìm cách kiểm soát và khống chế. Bài học của ông lớn Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa ráo mực…
Một đại gia vướng nợ khác là Công ty CP Hùng Vương (mã chứng khoán HVG), vốn được mệnh danh là “Vua cá tra”. Ngoài cá tra, Hùng Vương cũng không giấu tham vọng lấn sân sang thị trường xuất khẩu tôm và sản xuất thức ăn chăn nuôi vốn nhiều tiềm năng.
Khác với Vua tôm, Vua cá tra có tỷ lệ chi phí lãi vay/lãi gộp tương đối cao, lên tới 45,4% trong quý II niên độ tài chính 2015 - 2016 (1/10/2015 - 30/9/2016). Tại thời điểm 30/3/2016, nợ vay ngắn và dài hạn của Hùng Vương lên tới 8.469 tỷ đồng; trong đó phần lớn là nợ vay ngắn hạn (7.387 tỷ đồng).
Như vậy, áp lực của Hùng Vương không chỉ đến từ lãi vay (mặc dù đã rất lớn), mà còn đến từ việc chi trả nợ gốc. Hùng Vương sẽ phải trả 7.387 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn trong năm nay, nếu không được gia hạn hoặc đảo nợ. Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh niên độ tài chính trước của Hùng Vương âm 2.624 tỷ đồng. Đó là một thách thức không nhỏ đối với Hùng Vương trong thời gian tới.
Vay nợ là nguyên nhân hay hậu quả?
Biên lãi ròng của Vĩnh Hoàn trong riêng quý I vừa qua đạt 7,94%. Có nghĩa là cứ 100 đồng doanh thu mang lại cho Vĩnh Hoàn gần 8 đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó, tỷ lệ tương đương của Hùng Vương và Minh Phú lần lượt là 0,23% và 0,98%. Lợi nhuận sau thuế của 2 doanh nghiệp này trong quý vừa qua chỉ vỏn vẹn 12,7 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, trong khi doanh thu lớn hơn Vĩnh Hoàn nhiều lần. Rõ ràng, không gây ấn tượng về doanh thu, Vĩnh Hoàn như chiến binh thầm lặng nhưng hiệu quả.
Với Vĩnh Hoàn, vay nợ là đòn bẩy được sử dụng tương đối hiệu quả, trong tầm kiểm soát. Nợ vay ngắn và dài hạn của Vĩnh Hoàn cuối quý I/2016 đạt 2.086 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong kỳ chỉ ở mức dưới 10 tỷ đồng trong khi lãi gộp của Công ty đạt 238 tỷ đồng.
Từ trường hợp của Vĩnh Hoàn, có thể thấy rằng, vay nợ chưa hẳn là nguyên nhân dẫn đến khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp thủy sản nói riêng. Đó là kết quả của một quá trình kinh doanh lâu dài và nợ vay cũng phần nào phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nợ vay đến một lúc nào đó lớn lên, vượt khỏi tầm kiểm soát, sẽ trở thành “quả bom nổ chậm” treo trên đầu mỗi doanh nghiệp.
Không khuyến khích các doanh nghiệp tiết chế vay nợ, vì nợ vay rõ ràng mang lại động lực phát triển cho cả nền kinh tế, nhưng việc quản lý các khoản nợ vay sẽ bảo đảm doanh nghiệp phát triển lành mạnh, an toàn. Không một doanh nghiệp nào muốn đến một ngày lại phải “cầu cứu” các chủ nợ vì các “nguyên nhân khách quan” cả!