Sau khi được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm qua, sản xuất của Iran đã tăng thêm gần 140.000 thùng mỗi ngày. Con số này đã bù lại lượng giảm từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nigeria và Libya. Trong khi đó, Qatar, Saudi Arabia và Kuwait đều giữ nguyên ở mức tháng 2.
Trong báo cáo cập nhật tháng, OPEC cảnh báo nhu cầu với sản phẩm của họ vẫn còn rất yếu, bất chấp giá thấp. Một số khách hàng lớn vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp. Việc gỡ bỏ trợ cấp nhiên liệu tại các nước sản xuất dầu mỏ cũng khiến nhu cầu giảm sút. Bên cạnh đó, thời tiết ôn hòa tại bán cầu Bắc cũng khiến lượng mua ít đi.
"Các yếu tố tiêu cực hiện tại có vẻ đang lấn át điểm tích cực, và cho thấy xu hướng giảm trong nhu cầu dầu thế giới. Tình hình này sẽ còn kéo dài", OPEC dự báo.
Thị trường dầu toàn cầu đã biến động đáng kể trong 2 năm gần đây. Giá dầu xuống thấp kỷ lục tại 26 USD một thùng hồi tháng 2, từ hơn 100 USD giữa năm 2014. Dù vậy, giá hiện đã hồi phục lên hơn 40 USD.
Giá thấp khiến các hãng sản xuất dầu chi phí cao gặp khó. Họ đã phải giảm chi tiêu và cân nhắc lại nhiều dự án.
Tuy nhiên, các nước sản xuất lớn vẫn tiếp tục bơm dầu ra thị trường, khiến dư cung càng tăng. Dư cung đã lên 2,5 triệu thùng mỗi ngày trong quý I/2016, tăng từ 2 triệu USD quý IV năm ngoái.
Các nước OPEC được dự báo sẽ có biện pháp bình ổn thị trường trong phiên họp Chủ Nhật này. Theo lịch, họ sẽ gặp với các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác tại Qatar, để bàn về hạn chế sản xuất.
Phương án này đã được bàn đến từ trước. Nga và Saudi Arabia hồi tháng 2 đã chấp thuận giữ sản lượng ở mức tháng 1. Tuy nhiên, thỏa thuận có rất nhiều điều kiện và chưa phát huy hiệu quả. Còn Iran cho rằng đây là một "trò đùa" và khẳng định vẫn tăng sản lượng.