Phân định rõ phạm vi của Luật Xây dựng để tránh chồng chéo

(BĐT) - Hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động xây dựng đang có nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn khi nhiều luật cùng điều chỉnh một vấn đề. 
Quy định của Luật Xây dựng “lấn” sang khâu chuẩn bị dự án ở cả phần quy trình thủ tục chuẩn bị dự án, chuẩn bị xây dựng… Ảnh: Nhã Chi
Quy định của Luật Xây dựng “lấn” sang khâu chuẩn bị dự án ở cả phần quy trình thủ tục chuẩn bị dự án, chuẩn bị xây dựng… Ảnh: Nhã Chi

Tham gia góp ý về việc sửa đổi Luật Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, cần phải phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng so với các luật khác thì mới giải quyết được gốc rễ của tồn tại này.

Sau 5 năm thực thi, Luật Xây dựng đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông, đâu là bất cập lớn của Luật Xây dựng cần tập trung sửa đổi?

Hệ thống pháp luật của chúng ta đang có tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai. Điều đáng nói là những luật này mặc dù có mối liên quan mật thiết nhưng lại đang “giẫm chân” lên nhau, thiếu sự đồng bộ.

Do đó, điều đầu tiên là cần phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh của các luật này để không trùng lặp vô lý như hiện nay.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng phải bắt đầu từ khâu thiết kế, thẩm định, cấp giấy phép… Luật Xây dựng đưa ra những điều khoản điều chỉnh để đảm bảo xây dựng, thi công đúng chất lượng, đảm bảo an toàn, môi trường, đúng quy trình, quy phạm trong xây dựng. Ở khâu chuẩn bị dự án sẽ là phần thiết kế ý tưởng xây dựng.

Tuy nhiên hiện nay, quy định của Luật Xây dựng “lấn” sang khâu chuẩn bị dự án ở cả phần quy trình thủ tục chuẩn bị dự án, chuẩn bị xây dựng…, trong khi những khâu này phải được quy định ở Luật Đầu tư. Cùng với đó, Luật Đất đai cũng đưa ra quy định ở khâu chuẩn bị đầu tư là đất đai phải đấu giá như thế nào…

Khi cả Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Đất đai đều đưa ra những quy định dính dáng tới thủ tục chuẩn bị dự án, chuẩn bị xây dựng nhưng lại không hề có sự thống nhất với nhau giữa các cơ quan soạn thảo, thì sẽ dẫn đến hệ lụy là doanh nghiệp (DN) không biết làm thế nào cho đúng.

Phân định rõ phạm vi của Luật Xây dựng để tránh chồng chéo ảnh 1
Ông Nguyễn Quốc Hiệp
Ngoài sự chồng chéo dẫn đến nhiều cách thực thi, áp dụng, những quy định nào về hoạt động xây dựng cần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn?

Luật Xây dựng hiện hành đưa quá nhiều nội dung chi tiết vào phạm vi quản lý.

Đơn cử, về định mức  - đơn giá, hệ thống định mức với cách làm rất cũ, quá chi tiết, vụn vặt, làm khó cho công tác đo bóc tiên lượng và lập dự toán, mất nhiều thời gian và kéo dài khâu chuẩn bị dự án, thẩm định và thực hiện dự án. Do đó, VACC kiến nghị, bỏ quản lý theo đơn giá định mức chi tiết, sử dụng định mức - đơn giá tổng hợp để lập, thẩm định tổng mức đầu tư, làm cơ sở để chủ đầu tư xác định tổng mức đầu tư, giá gói thầu, lập kế hoạch đấu thầu theo Luật Đấu thầu.

Về thẩm định dự toán xây dựng, Hiệp hội đề nghị Luật quy định chỉ thẩm định chi phí ở bước xác định tổng mức đầu tư dự án (tương ứng với bước thiết kế cơ sở). Phần dự toán chi tiết ở bước thiết kế kỹ thuật (đối với nhóm A) hay thiết kế bản vẽ thi công (nhóm B, C) để chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định. Giá trị kết quả thẩm định của chủ đầu tư quy định rõ trong Luật là không được vượt giá trị tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chỉ thẩm định thiết kế một lần thay vì nhiều lần sẽ rút ngắn được thời gian triển khai dự án so với quy định tại Luật Xây dựng năm 2014. 

Từ thực tiễn hoạt động của các nhà thầu, theo ông, Luật Xây dựng cần có thêm những quy định nào?

Theo Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu, để bảo đảm nhà thầu thực hiện gói thầu theo đúng hợp đồng, nhà thầu và tổ chức tín dụng phải thực hiện 4 lần bảo lãnh: bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh tạm ứng.

Tuy nhiên, đối với vấn đề thanh toán chậm, nợ đọng… thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì lại không có bất kỳ một bảo lãnh nào bảo đảm cho quyền lợi đáng được hưởng của nhà thầu. Đây là vấn đề bất bình đẳng trong quan hệ hợp đồng. Do đó, Hiệp hội đề nghị đưa vào Luật Xây dựng quy định cơ chế bảo lãnh thanh toán đối với chủ đầu tư.

Theo đó, khi nhà thầu hoàn thành đến 60 - 65% giá trị khối lượng xây lắp thì chủ đầu tư phải ký bảo lãnh để bảo đảm đủ vốn thanh toán cho công trình/gói thầu.

Ngoài ra, Hiệp hội có một số kiến nghị liên quan đến công tác thanh, kiểm tra các DN xây dựng. VACC đề xuất xây dựng cơ chế giao cho Thanh tra Chính phủ làm đầu mối thống nhất và phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm. Khi đó, DN chủ động biết được sẽ đón tiếp bao nhiêu đoàn thanh tra, thanh tra về những nội dung gì (trừ thanh tra đột xuất, thanh tra vụ việc). Đồng thời, phải có quy định công nhận kết quả thanh tra trước đó để tránh tình trạng cùng một nội dung mà 2 đoàn thanh tra cùng thực hiện trong thời gian ngắn.

Tin cùng chuyên mục