Số dư trái phiếu riêng lẻ dự kiến đáo hạn một số ngành trong năm 2024 và 2025 |
Các nhà phát hành chủ yếu là nhà phát triển bất động sản (giá trị phát hành chiếm hơn 55% tổng giá trị), theo sau là các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu (24%) và dịch vụ tài chính (8%), trong khi đó cùng kỳ năm trước cơ cấu tập trung ở các ngành bất động sản và thực phẩm và đồ uống. Đáng chú ý, kỳ hạn phát hành trong quý I vừa qua chủ yếu có kỳ hạn dưới 5 năm.
Trong tháng 3, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 6 giao dịch phát hành với tổng giá trị 7,25 nghìn tỷ đồng từ 4 doanh nghiệp. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Hải Đăng chào bán 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng (lô trái phiếu 1.300 tỷ đồng có kỳ hạn 18 tháng với lãi suất 9,8% và lô trái phiếu 1.200 tỷ đồng có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 10%). 2 lô trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm và tổ chức lưu ký là Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).
Công ty Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 1.250 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm với lãi suất 9,8%. Theo thông tin từ Thương mại Việt An, lô trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm. Với hình thức bảo đảm là “bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính, tín dụng; đảm bảo bằng tài sản” và tài sản bảo đảm là “quyền phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh”.
Công ty CP Thương mại Du lịch Lạc Hồng phát hành lô trái phiếu 495 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm. Với hình thức bảo đảm là “bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính, tín dụng; đảm bảo bằng tài sản”. Về lãi suất, lô trái phiếu này có lãi suất kết hợp giữa cố định và thả nổi, dự kiến với 4 kỳ tính lãi đầu tiên cố định bằng 9%/năm và các kỳ tính lãi còn lại thả nổi và bằng tổng của 4,3%/năm cộng lãi suất tham chiếu.
Công ty CP Vinhomes cũng phát hành thêm 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12%. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.
Theo FiinRatings, giá trị phát hành trong tháng 3/2024 ở mức thấp, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, lượng phát hành tăng 3,4 lần so với tháng trước đó. Hoạt động mua lại đạt mức 8,03 nghìn tỷ đồng, tuy tăng nhẹ so với các tháng trước nhưng cũng tương đối trầm lắng khi so với cùng kỳ năm trước. FiinRatings kỳ vọng hoạt động phát hành có thể sôi động trở lại trong những tháng tiếp theo, đặc biệt là từ Quý II.
FiinRatings cho biết, rủi ro đến từ những vấn đề đã phát sinh trong các năm qua vẫn còn hiện hữu và cụ thể là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024. Tính đến 28/3/2024, trong tổng số 1,24 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, hiện có khoảng 1,1 triệu tỷ đồng là trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, nếu loại bỏ 384,8 nghìn tỷ trái phiếu ngân hàng, thì số dư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu hành là 726,2 nghìn tỷ đồng phát hành bởi các tổ chức phi ngân hàng.
Trong số này, FiinRatings lưu ý rủi ro có thể đến từ: trái phiếu bất động sản có số dư ở mức 395,6 nghìn tỷ đồng; trái phiếu ngành xây dựng và vật liệu ở mức 79,2 nghìn tỷ đồng. Theo đó, ngành bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn do lượng hàng tồn kho còn nhiều và giá cả cao đặc biệt ở nhóm bất động sản dân cư khiến dòng tiền chưa được khơi thông, mặc dù đã có những động thái khuyến khích từ chính sách. Kéo theo đó là các ngành kinh tế nhạy cảm trước biến động của ngành bất động sản như xây dựng và vật liệu cũng chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc trong quý này.
Tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đến hạn (sau khi đã thực hiện giãn hoặc tái cơ cấu, bao gồm cả theo Nghị định 08) ở 2 nhóm ngành trên hiện ở mức 133,5 nghìn tỷ đồng năm 2024 (trong đó bất động sản 107,4 nghìn tỷ, xây dựng và vật liệu 26 nghìn tỷ đồng) và trong năm 2025 là 148,4 nghìn tỷ đồng.