Nhu cầu đăng ký tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là rất lớn. Ảnh: Bùi Văn Thịnh |
Chậm trễ hiện thực hóa chuyển dịch năng lượng
Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thời gian qua, nhu cầu đăng ký tham gia của các nhà đầu tư phát triển ĐGNK rất lớn. Tổng nhu cầu đăng ký năm 2021 khoảng 154 GW. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành đề ra mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt ĐGNK đạt 7 GW và đến năm 2045 đạt 64,5 GW.
Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị ban hành năm 2020 đặt ra nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách phát triển đột phá cho ĐGNK gắn với triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Năm 2022, Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Trung ương ban hành xác định, cần có lộ trình phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của đất nước trên cơ sở đánh giá tổng thể về lợi ích và chi phí của nền kinh tế. Nghị quyết chỉ rõ, phát triển ngành công nghiệp năng lượng là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó có ngành công nghiệp ĐGNK.
Tuy nhiên, qua theo dõi triển khai thực hiện Nghị quyết số 55, ông Hiển cho rằng, việc thể chế hóa và xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển đột phá ĐGNK còn chậm, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế.
“Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch không gian biển vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa ban hành. Việc giao vùng biển thực hiện khảo sát phát triển ĐGNK chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật. Các quy định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư chưa được điều chỉnh phù hợp...”, ông Hiển dẫn chứng.
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu cho rằng, thách thức về thời gian đang rất lớn. Nếu Việt Nam không đẩy nhanh lộ trình này thì khó có thể đạt mục tiêu có 7 GW ĐGNK vào năm 2030.
Cập nhật thông tin về vấn đề này, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, dự kiến trong tuần này, Dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Lựa chọn cơ chế nào?
Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tại sự kiện là cơ chế để khởi động ngành công nghiệp ĐGNK. Từ kinh nghiệm thực tiễn phát triển ĐGNK của Anh, Đan Mạch, Đài Loan…, ông Mark Hutchinson cho biết, hiện có hai phương án chính để khởi động ngành công nghiệp này, đó là cơ chế phát triển nhanh và cơ chế đấu thầu.
Trong đó, cơ chế phát triển nhanh là chọn một dự án thí điểm quy mô lớn hoặc áp dụng một nhóm cơ chế đặc biệt dành cho một lượng công suất nhất định (3 - 4 GW) để phát triển các dự án theo quy trình rút ngắn hơn thông thường. Cơ chế này giúp hỗ trợ triển khai nhanh chóng các dự án để giải quyết các vấn đề rào cản chính sách; đạt được quy mô triển khai đủ lớn để giảm chi phí sản xuất điện; các dự án không phải chờ đợi Quy hoạch không gian biển hay quy trình đấu thầu được nghiên cứu, phát triển và thẩm định… Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để lựa chọn được những dự án và nhà phát triển thực sự có năng lực.
Trong khi đó, cơ chế đấu thầu có ưu điểm là quá trình phát triển dự án công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả, song theo kinh nghiệm ở hầu hết các quốc gia đã áp dụng cho thấy, thực hiện cơ chế này cần nhiều thời gian hơn.
Từ phân tích trên, ông Mark Hutchinson khuyến nghị, Việt Nam có thể lựa chọn cơ chế phát triển nhanh trước khi thực hiện đấu thầu trong giai đoạn đầu phát triển thị trường ĐGNK.
Ông Henrick Scheinema, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Copenhagen khuyến nghị, Việt Nam có thể khởi động phát triển ĐGNK bằng việc áp dụng cơ chế phát triển nhanh (thí điểm) để đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch năng lượng. Gợi ý giải pháp để chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thí điểm, ông Henrick Scheinema cho rằng, Việt Nam cần thiết lập bộ tiêu chí rõ ràng để lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, đúng kỹ thuật với chi phí cạnh tranh…
Trước câu hỏi các nhà đầu tư sẽ được lựa chọn theo tiêu chí nào, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho hay, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 25/2020/NĐ-CP đối với lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chuyên ngành, cơ quan quản lý ngành sẽ là người đề ra tiêu chí. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý ngành là Bộ Công Thương.
Bên cạnh những ý kiến nôn nóng muốn hành động quyết liệt để sớm đạt mục tiêu, nhiều ý kiến tại Hội thảo lưu ý, phát triển ĐGNK tiềm ẩn không ít rủi ro, nên tất cả các cơ chế chính sách phát triển cần có tầm nhìn, mục tiêu dài hạn mới đảm bảo phát triển bền vững.