Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP |
Trong khi các lãnh đạo phương Tây tỏ ra yếu thế thì lãnh đạo các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Tổng thống Nga Putin lại thể hiện được vai trò chủ động trong hầu hết cuộc hội đàm đa và song phương tại hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, theo Le Monde.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane, Australia năm 2014, ông Putin bị các lãnh đạo thế giới xa lánh, do nghi ngờ các nhóm phiến quân thân Nga bắn hạ chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Malaysia trên không phận Ukraine. Tổng thống Nga đã đột ngột bỏ về trước khi hội nghị kết thúc.
Theo bình luận viên chính trị Cédric Pietralunga, dù không còn bị cô lập tại hội nghị năm ngoái ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng hội nghị ở Hàng Châu năm nay mới thực sự là cơ hội để Tổng thống Putin "tỏa sáng" một cách ấn tượng. Ông đã trở thành một người đối thoại không thể thiếu đối với nhiều nguyên thủ quốc gia.
Trái ngược với cảm giác thiếu tin tưởng trong cuộc hội đàm với Quốc vương Arab Saudi Salman ở Antalya vào năm 2015, tại cuộc gặp năm nay, Tổng thống Nga đã tìm được tiếng nói chung với hoàng tử nước này là Mohammed bin Salman. Hai nước vốn có quan điểm đối lập về số phận Tổng thống Syria al-Assad, lần này thậm chí đã ký được một thỏa thuận về khai thác dầu mỏ.
Tại một cuộc họp báo, Tổng thống Nga lần đầu tiên ghi nhận thái độ "chân thành" của Tổng thống Mỹ Obama trong việc tìm giải pháp cho cuộc chiến ở Syria, sau khi ngoại trưởng hai nước không đạt được thỏa thuận nào sau hai vòng đàm phán.
Báo Pháp cho biết hai nguyên thủ đã hội đàm trong suốt một tiếng rưỡi, mặc dù tới phút cuối, hai bên vẫn không xác nhận về cuộc gặp gỡ.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande, ông Putin cũng thể hiện được vị thế chủ động khi liên tục hướng nội dung cuộc bàn bạc vào chủ đề hợp tác và tăng trưởng kinh tế, vốn gắn chặt với lợi ích của hai nước.
"Ban đầu Tổng thống Pháp tỏ ra rất áp lực, liên tục ngắt lời người phiên dịch của Nga, tuy nhiên không khí càng về sau càng trở nên thân mật. Rõ ràng ông Putin là một người không thể thiếu tại hội nghị lần này", một nhà ngoại giao giấu tên khẳng định.
Đặc biệt trong cuộc gặp bốn bên Pháp, Đức, Nga và Ukraine để giải quyết vấn đề về Ukraine, ông Putin luôn giữ được thái độ tự tin.
"Châu Âu đề xuất, nhưng chính Nga mới là người quyết định", bình luận viên Pietralunga cho biết.
Từ Hàng Châu, Tổng thống Nga cũng phát đi tín hiệu về sự xoay trục sang châu Á, cạnh tranh với Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Vladivostok được tổ chức ngay trước thềm G20, Tổng thống Nga đã thuyết phục được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tin tưởng vào một giải pháp khả thi cho tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Kuril.
"Xuất hiện với nụ cười tươi khi đặt chân đến Hàng Châu, Tổng thống Nga Putin dường như đã dự đoán được trước việc nước Nga sẽ trở thành một nhân tố mà tất cả các quốc gia tham dự G20 không thể bỏ qua trong việc giải quyết các hồ sơ quốc tế nổi bật hiện nay", bình luận viên Pietralunga nhận định.