Công ty CP Hóa dầu Quân đội Mipec chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tới cả năm khi chuyển nhượng 2 dự án Mipec tại Hà Nội. Ảnh: Hải Tùng |
Phổ biến tình trạng chậm nộp thuế
Đơn cử trường hợp tại một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô. Doanh nghiệp (DN) này có một số hóa đơn đầu vào với giá trị gần 30 tỷ đồng. Đây là các hóa đơn của các DN đã bỏ địa chỉ kinh doanh, nói nôm na là DN “bỏ trốn”, không còn hoạt động tại địa chỉ kê khai, cũng không tìm thấy địa chỉ mới.
Theo quy định, cơ quan thuế ban hành thông báo cơ sở bỏ địa chỉ kinh doanh và cập nhật thông tin bỏ địa chỉ kinh doanh vào ứng dụng đăng ký thuế tập trung (QLT-TNCN) và ứng dụng quản lý ấn chỉ (QLAC) để tự động cập nhật lên trang thông tin điện tử của ngành thuế. Các cục thuế, chi cục thuế có liên quan thực hiện tra cứu người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh trên ứng dụng của ngành hoặc vào trang thông tin điện tử ngành thuế để phục vụ cho công tác quản lý thuế.
Tuy nhiên, Cục Thuế địa phương chưa loại trừ các hóa đơn nói trên, thuế giá trị gia tăng của các hóa đơn này là gần 3 tỷ đồng. DN trên chưa đóng thuế thu nhập cá nhân tiền chia cổ tức từ năm 2013 với tổng số tiền là hơn 3 tỷ đồng theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Hay trường hợp Công ty CP Hóa dầu Quân đội Mipec chuyển nhượng Dự án Mipec 229 Tây Sơn (Hà Nội) và Dự án Mipec số 183 Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) nhưng đều chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tới cả năm. Cục Thuế Hà Nội đã kiểm tra nhưng không tính tiền chậm nộp. Thanh tra đã phải kiến nghị truy thu hơn 2,4 tỷ đồng chậm nộp.
Một trường hợp khác thu hút sự chú ý của dư luận đó là Dự án Đại Thanh, từ năm 2009, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Đại Thanh đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Đầu tư Hải Phát và sau đó Hải Phát đã chuyển cho Đại Thanh số tiền 129 tỷ đồng. Số tiền này Công ty Đại Thanh chưa kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (hơn 24,4 tỷ đồng). Dự án này sau đó được chuyển nhượng cho Doanh nghiệp Tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên. Dự án chưa hoàn thành các thủ tục để được chuyển mục đích sử dụng, giao đất và xác định giá thu tiền sử dụng đất nhưng đã được rao bán ồn ào. Số tiền sử dụng đất tạm tính của Dự án lên tới hơn 453 tỷ đồng.
Trên đây chỉ là một số trường hợp Thanh tra Chính phủ đã tiến hành xác minh tại DN. Còn nhiều trường hợp khác, DN chưa thực hiện đúng các quy định về thuế nhưng cơ quan thuế không xử lý triệt để.
669 tỷ đồng phạt chậm nộp tiền sử dụng đất
Qua rà soát số liệu do Tổng cục Thuế tổng hợp các trường hợp chậm nộp tiền sử dụng đất trên địa bàn 45 tỉnh, thành (trừ Hà Nội và TP.HCM) thì có tới 144 trường hợp số tiền cơ quan thuế và cơ quan thanh tra xác định có sự khác biệt. Tổng số tiền này lên tới hơn 669 tỷ đồng, gồm hai loại: loại không theo dõi phạt chậm nộp với số tiền là 645 tỷ đồng; loại có theo dõi tính tiền phạt nhưng chênh lệch so với con số cơ quan thanh tra tính là hơn 21 tỷ đồng.
Chỉ riêng số tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất của toàn ngành thuế, các cục thuế đã tính thiếu tiền phạt số tiền 669 tỷ đồng.
Tại thời điểm tháng 6/2014, có 769 đối tượng nợ thuế trên 90 ngày, trong đó có 466 DN hoạt động bình thường và có lãi nhưng cơ quan thuế không thực hiện đúng quy định về áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với DN nợ thuế chây ì trên 90 ngày.
Qua thanh tra, nhiều vấn đề tồn tại trong công tác thuế đã chỉ ra từ công tác thanh tra, kiểm tra (nhiều lần điều chỉnh kế hoạch thanh tra, thanh tra không đạt kế hoạch, không xử phạt vi phạm về thuế) đến công tác giải quyết khiếu nại (chậm giải quyết dẫn đến hết thời hạn không truy thu được, không xử phạt đối với số tiền vi phạm), hướng dẫn pháp luật...
Những khuyết điểm, vi phạm nói trên dẫn đến nợ thuế toàn ngành ngày càng tăng. Hết năm 2012, số nợ thuế là hơn 55 nghìn tỷ đồng, hết năm 2013 là hơn 61 nghìn tỷ đồng và đến 30/6/2014 là gần 69 nghìn tỷ đồng. Cơ quan thuế không theo dõi được nghĩa vụ thuế của các DN, đối tượng nợ thuế lớn...