Quản trị bằng văn hóa để bứt phá và vững bền

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trên bình diện quốc gia, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đặt ra nhiều giải pháp cụ thể.
Giáo sư Phan Văn Trường cùng người sáng lập IPA Group Phạm Minh Hương trò chuyện về quản trị bằng văn hóa với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn
Giáo sư Phan Văn Trường cùng người sáng lập IPA Group Phạm Minh Hương trò chuyện về quản trị bằng văn hóa với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn

Trong quản trị doanh nghiệp, một số tổ chức như Vingroup, FPT, Hoa Sen, Masan, IPA… đang có những bước tiên phong xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm tạo nên sức mạnh mềm cho tổ chức để vững bước vươn lên…

Mở đầu cuộc nói chuyện “Quản trị bằng văn hóa” tại IPA Group mới đây, Giáo sư Phan Văn Trường, người từng lãnh đạo một số tập đoàn toàn cầu như Alstom Power, Alstom Transports… kể vài câu chuyện. Làm việc tại nhiều quốc gia, ông quan sát và thắc mắc sao có những dân tộc người dân của họ cứ chầm chậm trong cả cách suy nghĩ và hành vi, nhưng tổng cộng lại, nước họ tiến nhanh hơn nước mình. Người Thụy Sỹ, Malaysia là ví dụ. Sau này, khi quan sát nhiều hơn, Giáo sư nhận ra người dân “nước chậm” có văn hóa làm việc đáng học. Đó là, họ không làm việc gì nếu biết đó là sai. Họ tôn trọng pháp luật và làm gì cũng phải có lợi cho cộng đồng. Nếu không có lợi cho cộng đồng họ tự kéo chuông cảnh báo: “Tôi không làm”. Đó là văn hóa. Cá tính hay nhất của người dân “nước chậm” trong đánh giá của Giáo sư Trường là họ làm việc gì cũng thật cặn kẽ, chuẩn mực. Chẳng hạn, người Malaysia sẽ không tự phát đi trên một xa lộ đã hoàn thành nếu chưa được cho phép lưu thông. Nhiều quốc gia không có được quy chuẩn hành vi này.

Từng thắng 1 dự án Metro với giá trị 2,5 tỷ USD tại Singapore, ông kể, khi vào thương thuyết, phía Singapore muốn thay đổi một vài điểm để dự án tiếp tục tốt hơn. Kết quả, dự án 2,5 tỷ USD được nâng lên thành 3,2 tỷ USD khi người Singapore sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để đổi từ việc dùng vật liệu sắt sang inox. Việc chuyển đổi này giúp dự án bền hơn, hiệu quả hơn và phương tiện giao thông kéo dài thời gian sử dụng, thay vì 50 năm có thể đến 70 năm.

Hồi lãnh đạo Công ty Suez chuyên về lọc nước đô thị, Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ, sản phẩm làm ra được đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới, nhưng người Pháp vẫn chưa hài lòng. Họ quan niệm rằng, dù là số 1, Công ty vẫn có thể làm tốt hơn. Vậy tại sao không làm tốt hơn? “Cách tư duy “đứng thứ nhất không đủ” thúc đẩy tổ chức tiếp tục tiến lên, hướng đến sự hoàn thiện hơn nữa. “Khi nào sản phẩm mang theo niềm hạnh phúc và tự hào của những người tạo ra nó thì đó là nấc thang cao nhất của quản trị doanh nghiệp”, ông nói.

Vào thời vàng son của Công ty Austom (Pháp) khi Giáo sư Phan Văn Trường đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất, họ có những người thợ lương ở bậc thấp, nhưng thái độ làm việc vượt qua các công cụ đo lường. Họ tạo ra turbin trong nhà máy và say mê ngắm nhìn cánh turbin dưới ánh nắng mặt trời để chỉnh đến độ hoàn hảo. Máy đo đã cho kết quả chuẩn xác, nhưng người thợ chưa hài lòng. Họ muốn dũa thêm một chút để sản phẩm đạt hiệu suất tối ưu. Những người thợ ấy không chấp nhận sản phẩm rời tay khi mà lương tri còn có chút phân vân. Chỉ quản trị bằng văn hóa mới tạo nên những người lao động có tinh thần làm việc như thế…

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp bắt đầu được một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam chú trọng, chẳng hạn Vingroup có văn hóa đổi mới sáng tạo, FPT xây văn hóa học hỏi và phát triển, TH True Milk định hình văn hóa chất lượng, minh bạch hay Hoa Sen Group phát triển văn hóa lắng nghe, phục vụ khách hàng… Tuy nhiên, quản trị bằng văn hóa là một chặng đường cần tầm nhìn chiến lược và nỗ lực mạnh mẽ thay đổi. Trong chia sẻ của Giáo sư Phan Văn Trường, yêu cầu tiên quyết trong quản trị bằng văn hóa là mọi quyết định của lãnh đạo phải hướng đến lợi ích tối đa của tổ chức. Từng nhân sự, từng bộ phận cũng cần coi lợi ích tối đa của tổ chức là “sếp” đích thực trong công việc của mình.

Cách định nghĩa mới về sếp mang đến một tinh thần bình đẳng trong kết nối và người nào cũng tham gia vào công cuộc kiến tạo giá trị cho tổ chức. Chủ tịch/tổng giám đốc định hướng chiến lược, kết nối quan hệ đối tác. Người thợ trực tiếp làm ra sản phẩm… Đó là công việc. Không ai ở trên đầu người khác, không có sự đối phó hay nỗi sợ giữa người với người. “Tinh thần bình đẳng tạo nên động lực tự nhiên cho sự phát triển. Bình đẳng cũng tạo nên tinh thần sáng tạo, vì mọi mắt xích đều được tôn trọng và lắng nghe”, ông nói.

Thứ đến, Giáo sư khuyến khích xây dựng văn hóa truyền thông, báo cáo toàn diện, chia sẻ thông tin đầy đủ, đồng nhất cho mọi người, với tốc độ nhanh nhất có thể. Nhiều khúc mắc, vấn đề phát sinh của tổ chức sẽ được giải quyết nhanh chóng khi vấn đề được phát hiện, được báo cáo kịp thời và mọi người làm việc với tinh thần trách nhiệm, sáng kiến giải pháp xử lý.

Với từng nhân sự, ông cho rằng, xây dựng văn hóa ứng xử ôn hòa và chuyên nghiệp sẽ không cho phép bất cứ ai làm việc tạm bợ hay bất cứ mối quan hệ nào trong doanh nghiệp được chất chứa nhiều cảm xúc. Nếu xây dựng được văn hóa doanh nghiệp lý tưởng, ông tin rằng đó sẽ như một cơn lốc quét đi những gì thừa thãi, giúp bộ máy tinh giản và vận hành hiệu quả hơn.

Trên thế giới, Google thành công khi xây dựng được môi trường làm việc sáng tạo, khuyến khích nhân viên đưa ra ý tưởng mới. Netflix khuyến khích nhân viên tự do đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả công việc… Quản trị bằng văn hóa không chỉ tạo ra lợi nhuận cho mỗi tổ chức, mà còn tạo nên môi trường làm việc tích cực, sáng tạo và bền bỉ vì con người.

Tại Việt Nam, một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg là các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và doanh nghiệp phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Hiện nay, với gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, nhiều quy tắc, phương pháp quản trị doanh nghiệp đã được áp dụng trong thực tiễn, nhưng quản trị bằng văn hóa dường như vẫn là một câu chuyện mới, cần nhiều sự chia sẻ, định hướng, trao truyền từ những bậc thầy quản trị thành danh.

Khi nước ta có nhiều doanh nghiệp quản trị hiệu quả, phát triển lành mạnh và bền vững, mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển sẽ dần được hiện thực hóa.

Tin cùng chuyên mục