Quyết liệt giải pháp, mở cơ hội đón dòng vốn mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công điện số 1360/CĐ-TTg của Thủ tướng Phạm Minh Chính tuần qua tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong thời gian sớm nhất, nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tổ chức.
Công điện số 1360/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh minh họa: NC st
Công điện số 1360/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh minh họa: NC st

Theo ước tính của VinaCapital, trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường Việt Nam có thể đạt từ 5 đến 8 tỷ USD.

TTCK Việt Nam như “con cá lớn nằm trong ao nhỏ”

Tại Hội thảo “Khai mở tiềm năng thị trường vốn Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 15/12/2023, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, bà Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển thị trường vốn. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan khác nhau. “Trước hết, mục tiêu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cần sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thị trường vốn với cơ quan quản lý ngành ngân hàng, do vai trò của các ngân hàng thương mại trong quá trình thanh toán”, bà Carolyn Turk nói.

Thực tế, sau hơn 2 thập kỷ xây dựng, Việt Nam có TTCK với vốn hóa đạt 246 tỷ USD, giá trị giao dịch trung bình/ngày đạt khoảng 1 tỷ USD và 48 công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, cho đến nay, TTCK Việt Nam vẫn được 2 tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên. Việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như “một con cá lớn nằm trong ao nhỏ” do Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên, lên đến 29% trong chỉ số của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell.

Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho rằng, xét về quy mô vốn hóa và thanh khoản, TTCK Việt Nam hiện tại đã lớn hơn nhiều nước nằm trong các chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi. Tổng vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE hiện nay khoảng 190 tỷ USD, gần tương đương với quy mô vốn hóa của thị trường Malaysia và lớn hơn nhiều thị trường khác ở châu Á (Philippines, Qatar, Kuwait…) hay châu Âu (Hy Lạp, Séc, Hungary…). Về thanh khoản, giá trị giao dịch hàng ngày trên TTCK Việt Nam còn vượt Malaysia và tương đương với Indonesia, tức chỉ đứng sau Thái Lan ở trong khối ASEAN.

Theo ông Quang, TTCK Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nằm trong nhóm các thị trường mới nổi. Do đó, việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi là cần thiết và xứng tầm với quy mô thị trường cũng như nền kinh tế. Đó cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư trên thế giới tiếp cận dễ dàng hơn với cơ hội tại một quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng cao và nhiều tiềm năng như Việt Nam.

Trên thế giới hiện có khoảng 860 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số chứng khoán mới nổi làm chỉ số tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng lên tới 705 tỷ USD. Trong đó, có 844 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của MSCI làm tham chiếu với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 615 tỷ USD và 16 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE Russell làm tham chiếu với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 90 tỷ USD. Một số quỹ đầu tư lớn như: Vanguard FTSE Emerging Markets ETF (71 tỷ USD), iShares Core MSCI Emerging Markets ETF (69 tỷ USD), iShares MSCI Emerging Markets ETF (19 tỷ USD).

Theo ước tính của VinaCapital, trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell.

Quyết liệt các giải pháp để nâng hạng sớm nhất

Trong diễn biến chính sách, Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tổ chức.

Bên cạnh khả năng thu hút vốn mới, việc nâng hạng còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho TTCK Việt Nam, khắc phục tình trạng các nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ lệ giao dịch trên 90% toàn thị trường. Điều này còn có tính thời điểm đặc biệt quan trọng khi dòng vốn quốc tế, nhất là dòng vốn của các quỹ hưu trí và quỹ hiến tặng lớn của phương Tây đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung và các nhà đầu tư tổ chức quy mô cực lớn này đang tìm kiếm TTCK giàu tiềm năng khác để giải ngân. “Việc TTCK Việt Nam vẫn ở trong nhóm cận biên trong khi Ấn Độ và Indonesia đã ở trong nhóm mới nổi là điều bất lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn rất lớn này”, đại diện VinaCapital nhận định.

So sánh với tiêu chuẩn nâng hạng của 2 tổ chức MSCI và FTSE Russell, hiện tại Việt Nam còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được, trong đó có 2 tiêu chí cơ bản nhất là giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

Về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại, theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều chuyên gia kiến nghị, Việt Nam cần giảm bớt số lượng ngành nghề hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, cần hoàn thiện cấu trúc thị trường để ra đời được sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), tạo cơ hội đầu tư bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Vướng mắc thứ hai là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding). Hệ thống giao dịch chứng khoán KRX có mục tiêu vận hành vào cuối tháng 12/2023, được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán. Tuy nhiên, nếu KRX không thể vận hành đúng kế hoạch vào cuối tháng 12/2023, nhiều ý kiến kiến nghị, Bộ Tài chính cần tạo cơ sở pháp lý, cho phép công ty chứng khoán phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. Về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề pre - funding.

Tin cùng chuyên mục