Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp không phải là quá xa vời khi niềm tin đang được củng cố và thôi thúc. Ảnh: Tiên Giang |
Đầu máy chỉ thực sự khỏe, đưa cả con tàu nhanh tới đích thịnh vượng khi có nội lực mạnh mẽ và rào cản trên đường đi được dẹp bỏ.
Luồng sinh khí mới
Dường như có một luồng sinh khí mới đang thôi thúc sự phát triển của kinh tế tư nhân (KTTN) khi con đường cho KTTN phát triển đã được định hình rõ ràng; những rào cản, chông gai trên đường đi cũng đang được nỗ lực dọn dẹp, từng bước tháo gỡ và loại bỏ.
Bước ngoặt của chặng đường ấy được ghi dấu đậm nét tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII diễn ra giữa năm 2017. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đánh giá của giới kinh tế, nghị quyết là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực KTTN và toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời cũng thể hiện đường lối, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về KTTN. Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với 5 nhiệm vụ cốt lõi đưa KTTN trở thành động lực phát triển kinh tế.
Một điểm cộng cho nỗ lực phát triển doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN và người dân chính là việc Quốc hội bấm nút thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với tỷ lệ tán thành rất cao.
Như vậy, từ việc chỉ cho phép KTTN “được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất” tuy nhiên phải “theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước”, đến nay KTTN đã được khẳng định là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Nhận xét về sự phát triển của KTTN, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, KTTN Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh trong thời gian qua. Mỗi năm, Việt Nam có hàng chục nghìn DN mới được thành lập. Riêng năm 2016, số lượng DN thành lập mới đạt mức kỷ lục với hơn 110.000 DN. Tiếp đà tăng trưởng ấy, năm 2017, cả nước lại có thêm gần 127.000 DN thành lập mới và dự báo sẽ đạt mức 135.000 DN thành lập mới trong năm 2018. Mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 1 triệu DN theo Nghị quyết số 35/NQ-CP xem ra không phải là quá xa vời khi niềm tin đang được củng cố và thôi thúc.
Chỉ riêng về góc độ thực hiện thủ tục gia nhập thị trường của DN, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký gia nhập thị trường của DN hiện nay được rút ngắn tối đa. Nếu như trước đây DN phải mất tới 32 ngày để thực hiện thủ tục, thì theo quy định hiện hành chỉ là 3 ngày.
Chính phủ cũng triển khai nhiều giải pháp quyết liệt về cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý cho DN. Thủ tướng chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra DN với yêu cầu không được thực hiện quá 1 lần/năm với 1 DN…
Nỗ lực này phần nào được thể hiện qua cuộc đối thoại của DN với cơ quan thuế, hải quan diễn ra cuối năm 2017. Những ý kiến phàn nàn về thủ tục hay thể hiện sự bất an của DN không còn nhiều. Thay vào đó, nhiều DN còn khen các cơ quan quản lý như đại diện Công ty Samsung: “Những cải tiến, đổi mới khi lắng nghe DN của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan đã giúp các DN thuận lợi hơn rất nhiều, và mong muốn bộ này có thêm nhiều cải tiến để mang lại nhiều thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển DN”.
Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhận xét, năm 2017 là năm cộng đồng DN, đặc biệt khối DNNVV, rất phấn khởi được Chính phủ quan tâm. Bởi theo bà, từ trước tới nay, hoạt động đối thoại của Chính phủ với DN thực tế là không nhiều, nhưng năm qua hoạt động này đã khởi sắc. Ở những chương trình như vậy, Chính phủ trực tiếp nghe tiếng nói của DN, từ đó thấu hiểu được “nỗi lòng” của DN để đồng hành cùng DN.
Cần thêm nhiều hành động cụ thể
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã không dưới hai lần nhắc lại câu nói này khi bày tỏ tin tưởng rằng, KTTN sẽ thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ đổi mới, cải cách, kiến tạo hơn nữa; sẽ tiếp tục mở các diễn đàn đối thoại với DN ở các cấp độ, quy mô khác nhau để lắng nghe ý kiến của DN. Các cấp các ngành giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của DN với quan điểm luôn đồng hành với DN. “Xử lý vấn đề có cả “tâm lẫn tài” thôi không đủ, mà còn nâng cao năng lực thích ứng với đòi hỏi của khu vực tư nhân, công tác quản lý đòi hỏi bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng yêu cầu.
Trăn trở với sự phát triển của DNNVV Việt Nam, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, dù muốn hay không thì thực tế hiện nay, vai trò của KTTN chưa được công nhận như Nghị quyết số 10-NQ/TW, vẫn còn nhiều định kiến về KTTN chưa được xóa nhòa. Khung chính sách pháp lý hỗ trợ phát triển DNTN cần được cụ thể hóa để khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Không chỉ giải phóng thể chế, môi trường kinh doanh, mà theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Nhà nước cần đưa ra chính sách công nghiệp thúc đẩy khu vực tư nhân vươn lên. Các nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới đều làm vậy, nhưng thực tế ở Việt Nam còn hạn chế.
Bắt tay ngay vào việc tạo thuận lợi hơn nữa cho DN ngay từ khâu gia nhập thị trường, trong những ngày đầu tháng 1/2018, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã liên tiếp tổ chức các cuộc làm việc để hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký DN. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục rà soát Luật DN và Luật Đầu tư sau gần 3 năm thi hành nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và DN.
Ngay tại Hội nghị triển khai kế hoạch ngành công thương năm 2018 diễn ra trung tuần tháng 1/2018, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã trực tiếp ký ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP về cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh do Bộ Công Thương quản lý. Thủ tướng cũng lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN nhằm đưa DN nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Nhiều bộ, ngành địa phương khác cũng cam kết thực hiện nhiều giải pháp đưa KTTN phát triển.
Đặc biệt, khẳng định vai trò quan trọng của KTTN đối với sự phát triển thịnh vượng và bền vững của nền kinh tế, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2018 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, phát triển mạnh khu vực KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là một trong 6 giải pháp trọng tâm của Chính phủ. Bộ trưởng lưu ý, bản thân các DNTN cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành động lực phát triển kinh tế.