Rộng đường thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã mở cánh cửa cho Quảng Ngãi bước vào giai đoạn phát triển mới, định hình rõ nét hơn các lĩnh vực mũi nhọn để thu hút đầu tư phù hợp mục tiêu tăng trưởng của địa phương. Triển khai quy hoạch này, một danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2024 - 2025 phân bổ đều ở các ngành, lĩnh vực đã được tỉnh Quảng Ngãi đưa ra lấy ý kiến từ các sở, ngành, địa phương nhằm hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lợi thế cạnh tranh về cảng nước sâu là cơ sở để Quảng Ngãi quy hoạch các lĩnh vực công nghiệp chế biến, cơ khí, năng lượng, logistics và đẩy mạnh thu hút đầu tư giai đoạn sắp tới. Ảnh: Duy Sinh
Lợi thế cạnh tranh về cảng nước sâu là cơ sở để Quảng Ngãi quy hoạch các lĩnh vực công nghiệp chế biến, cơ khí, năng lượng, logistics và đẩy mạnh thu hút đầu tư giai đoạn sắp tới. Ảnh: Duy Sinh

Nhiều dự án, nhóm dự án thu hút đầu tư

Theo kế hoạch, năm 2024 - 2025, Quảng Ngãi sẽ thu hút đầu tư 34 dự án. Trong đó, lĩnh vực y tế có 4 dự án, bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Khu đô thị Châu Ổ - Bình Long, diện tích 5 ha tại huyện Bình Sơn; Bệnh viện Đa khoa phía Bắc TP. Quảng Ngãi, 7 ha tại phường Trương Quang Trọng; Bệnh viện Đa khoa phía Nam thị xã Đức Phổ, 1 ha và Bệnh viện Đa khoa phía Bắc huyện Tư Nghĩa, 5 ha. Các dự án này đều do nhà đầu tư đề xuất và 100% vốn nhà đầu tư.

Lĩnh vực dịch vụ - du lịch dự kiến có 5 dự án: Khu du lịch sinh thái văn hóa Thảo nguyên Bùi Hui (huyện Ba Tơ), diện tích 491 ha; Khu du lịch sinh thái văn hóa Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), 52 ha; Khu du lịch Đầm An Khê (thị xã Đức Phổ), 200 ha; Quần thể đô thị nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Thạch Bích - Núi Chúa, 1.700 ha và Khu du lịch sinh thái Cà Đam (huyện Trà Bồng), 1.268 ha. Các dự án này cũng do nhà đầu tư đề xuất, 100% vốn nhà đầu tư.

Ở lĩnh vực môi trường có 6 dự án: Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp tại xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) và xã Bình Hiệp (huyện Bình Sơn), diện tích 65,28 ha; Nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện Quảng Ngãi tại huyện Sơn Tịnh, 16,59 ha; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thị xã Đức Phổ, 17,95 ha; Công viên nghĩa trang tại xã Tịnh Ấn Đông (TP. Quảng Ngãi), 120 ha; Nhà máy nước Dung Quất 2, 33 ha; Công viên nghĩa trang tập trung tại thị xã Đức Phổ, 39,9 ha.

Trong kế hoạch thu hút đầu tư 2024 - 2025, số dự án lĩnh vực hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại tại Quảng Ngãi gồm 10 dự án và nhóm dự án. Có thể kể đến Khu đô thị - dịch vụ Nam sân bay Chu Lai (bao gồm khu hậu cần dịch vụ - logistics Cảng hàng không Chu Lai, huyện Bình Sơn, 270 ha); Khu đô thị mới Lý Sơn, 760 ha; Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Bắc, 1.445 ha; Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Nam, 1.555 ha; Khu thương mại, đô thị và dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Huỳnh, 30 ha; Các dự án du lịch, thương mại, dịch vụ, đô thị tại khu vực dọc tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, 7.700 ha; Khu hậu cần cảng - logistics Bắc Dung Quất, 75 ha; Công viên Quảng trường biển và Khu đô thị - dịch vụ sinh thái TP. Quảng Ngãi, 228,6 ha; Các dự án đầu tư khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại, đầu tư du lịch, đô thị, nghỉ dưỡng tại huyện Bình Sơn, TP. Quảng Ngãi, 1.800 ha; Khu đô thị Tịnh Long, 80 - 100 ha.

Đối với lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp có 6 dự án, bao gồm: Các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN (KCN, đô thị, dịch vụ Bình Thanh), 1.287,8 ha (đất công nghiệp của 3 tiểu khu); Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN (KCN Bình Hòa - Bình Phước I), 342 ha; Các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN (KCN - đô thị - dịch vụ Dung Quất II), 765 ha; Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN An Phú (huyện Tư Nghĩa), 276 ha; Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN đa ngành Bình Long, 341,89 ha; Các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp tại 7 huyện, thị xã, 925,6 ha.

Cùng với đó là các dự án công nghiệp, dự kiến có 3 dự án và nhóm dự án: Sản xuất dệt, may mặc, giày da, chế biến thực phẩm, nước giải khát, nhà máy cơ khí chế tạo, nhà máy sản xuất thiết bị siêu trường, siêu trọng, sản xuất kim loại và gia công thép, sản xuất các sản phẩm thép hạ nguồn, sản xuất điện dân dụng, thiết bị, vật liệu điện đa dụng, điện tử; Dự án Công nghiệp phụ trợ, logistics, diện tích khoảng 1.000 ha - Sản xuất hóa dầu, hóa chất và các sản phẩm dầu khí, 130 ha; Các dự án ngành công nghiệp bán dẫn.

Mở rộng thị trường, tăng ưu đãi

Đi kèm danh mục dự án, tỉnh Quảng Ngãi triển khai kế hoạch thu hút đầu tư năm 2024 bằng việc định hướng thị trường và mời gọi các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Cụ thể, bên cạnh các thị trường truyền thống, Quảng Ngãi sẽ nghiên cứu các thị trường mới, gặp gỡ đối tác tiềm năng là nhà đầu tư Mỹ và Canada; trong nước là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Về cải cách thủ tục hành chính, năm 2024, Tỉnh đề ra 55 nhiệm vụ cụ thể trên tất cả các lĩnh vực cải cách hành chính. Tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức xúc tiến đầu tư (XTĐT) nước ngoài tại Việt Nam (KOTRA, JETRO, EUROCHAM…), các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Tỉnh để XTĐT; tham gia hội nghị, hội thảo về XTĐT tại nước ngoài; làm việc với bộ, ngành Trung ương liên quan đến việc hỗ trợ các dự án đầu tư ở giai đoạn thủ tục đầu tư và trong giai đoạn sản xuất kinh doanh kết hợp XTĐT; làm việc với các DN phía Nam và phía Bắc có dự án tại Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi để XTĐT.

Đồng thời, Quảng Ngãi ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư với các hình thức và đối tượng áp dụng như: ưu đãi thuế thu nhập DN, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư là dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020; dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Đầu tư 2020; dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động; dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ngoài ra, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư còn bao gồm: DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo DN khoa học và công nghệ; dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi quan niệm, thu hút đầu tư trong và ngoài nước là kênh huy động nguồn lực quan trọng góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, an sinh xã hội, tạo nguồn tái đầu tư toàn xã hội. Để đạt được hiệu quả cao nhất trong thu hút đầu tư, Tỉnh đang và sẽ tăng cường hỗ trợ phát triển DN, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, Quảng Ngãi sẽ tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... để tranh thủ kêu gọi các đối tác đầu tư chọn Quảng Ngãi, cùng tạo giá trị mới.

Tin cùng chuyên mục