Sáng dần “cửa ra” 8 dự án BOT giao thông thua lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có tờ trình Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Trong đó đề xuất Nhà nước bố trí thanh toán 6.813 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng với 5 dự án BOT, bố trí 1.557 tỷ đồng để sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia vào 2 dự án BOT và bố trí 2.280 tỷ đồng vốn nhà nước để thay thế cơ chế hoàn vốn cho 1 dự án BOT.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với Dự án BOT Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100. Ảnh: Thế Anh
Bộ Giao thông vận tải đề xuất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với Dự án BOT Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100. Ảnh: Thế Anh

Bộ GTVT cho biết, trong tổng số 140 dự án BOT triển khai trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành, có 50 dự án triển khai giai đoạn trước năm 2010, 63 dự án triển khai giai đoạn 2011 - 2015 và 27 dự án triển khai giai đoạn sau năm 2016.

Về cơ bản, khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung chủ yếu tại các dự án triển khai giai đoạn trước năm 2015. Khó khăn chính ở các dự án là vướng mắc về trạm thu phí và sụt giảm doanh thu. Bên cạnh đó, một số dự án BOT gặp vướng mắc về huy động vốn tín dụng (như Dự án BOT Xây dựng đường ven biển Hải Phòng); khó khăn về bố trí vốn tham gia của Nhà nước, công tác giải phóng mặt bằng, lãi suất vốn vay cao và biến động lớn; tỷ lệ vốn nhà nước tham gia bị giới hạn gây khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư; chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các dự án PPP đang triển khai buộc phải dừng thực hiện để chuyển sang đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước…

Trên cơ sở kết quả rà soát, có 8 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đã vướng mắc rất nhiều năm. Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ giải pháp tháo gỡ cho 8 dự án BOT nói trên theo 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất là sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 2 dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi với tổng nhu cầu vốn nhà nước cần bố trí để hỗ trợ khoảng 1.557 tỷ đồng. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia khoảng 49%, tương đương 522 tỷ đồng tại Dự án BOT Xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang). Dự án này có tổng mức đầu tư đã được kiểm toán, quyết toán là 1.088 tỷ đồng. Dự kiến thời gian hoàn vốn Dự án khoảng 22 năm (nhà đầu tư đã thống nhất giảm 50% lợi nhuận vốn chủ sở hữu).

Tiếp theo là Dự án BOT Đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (tổng vốn đầu tư 1.463 tỷ đồng). Bộ GTVT đề xuất bổ sung 1.024 tỷ đồng vốn nhà nước tham gia hỗ trợ Dự án. Dự kiến thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm.

Nhóm thứ hai (1 dự án) là điều chỉnh cơ chế hỗ trợ của Nhà nước từ nguồn thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan sang hỗ trợ bằng vốn nhà nước đối với Dự án BOT Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân, có tổng mức đầu tư đã kiểm toán, quyết toán là 18.811 tỷ đồng). Theo đó, Nhà nước cần bố trí khoảng 2.280 tỷ đồng để thay thế cơ chế hoàn vốn cho Dự án. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án khoảng 28 năm 4 tháng. Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ nghiên cứu phương án thu phí nộp ngân sách nhà nước.

Dự án BOT Nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk bị sụt giảm doanh thu do đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Văn Dũng

Dự án BOT Nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk bị sụt giảm doanh thu do đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Văn Dũng

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả đã đi vào vận hành, phát huy hiệu quả, nhưng đến nay những vướng mắc về tài chính vẫn chưa được giải quyết, gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Các bộ, ngành liên quan và nhà đầu tư họp bàn rất nhiều lần để tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho Dự án, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, càng để lâu càng gây thiệt hại cho nhà đầu tư và phía ngân hàng cho vay vốn, gây áp lực tài chính và làm giảm niềm tin với nhà đầu tư.

Nhóm thứ ba, gồm 5 dự án BOT còn lại, Bộ GTVT đề xuất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Trong đó có 2 dự án đã hoàn thành không được thu phí là Dự án BOT Xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn (tổng vốn đầu tư đã quyết toán là 612 tỷ đồng, giá trị đề nghị Nhà nước thanh toán là 571 tỷ đồng, không bao gồm 153 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng); Dự án Đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6 thuộc Dự án BOT Xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa (tổng vốn đầu tư đã quyết toán là 741 tỷ đồng, vốn nhà nước thanh toán dự kiến là 892 tỷ đồng (gồm 151 tỷ đồng chi phí vận hành khai thác và lãi vay).

Hai dự án khác được đề xuất chấm dứt hợp đồng do chỉ được thu phí 1 trong 2 trạm nên doanh thu sụt giảm, đã áp dụng giải pháp bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi. Thứ nhất là Dự án BOT Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP. Cần Thơ (không được thu phí tại trạm T2), có tổng vốn đầu tư đã kiểm toán là 1.585 tỷ đồng, Bộ GTVT đề xuất Nhà nước tham gia thanh toán 1.754 tỷ đồng (gồm 169 tỷ đồng chi phí vận hành và lãi vay). Thứ 2 là Dự án BOT Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 (không được thu phí tại trạm Quốc lộ 3); Bộ GTVT đề xuất Nhà nước tham gia thanh toán khoảng 2.850 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư được kiểm toán 2.287 tỷ đồng và 563 tỷ đồng chi phí vận hành khai thác, lãi vay). Nhà đầu tư đã thống nhất giảm 50% lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong giá trị thanh toán.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Cienco4, nhà đầu tư Dự án BOT Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, những khó khăn vướng mắc kéo dài nhiều năm tạo nên gánh nặng tài chính hàng nghìn tỷ đồng cho nhà đầu tư. Một số phương án tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư đã được họp bàn nhưng vẫn khó khả thi. Nhà đầu tư mong muốn Chính phủ và Nhà nước sớm giải quyết dứt điểm khó khăn của Dự án, “giải tỏa” gánh nặng tài chính trên vai nhà đầu tư.

Dự án cuối cùng được Bộ GTVT đề xuất chấm dứt hợp đồng do sụt giảm doanh thu và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự là Dự án BOT Nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk. Doanh thu Dự án bị sụt giảm do đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ (năm 2022, 2023 doanh thu đạt 36% - 43% so với hợp đồng), UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị chấm dứt hợp đồng, bố trí vốn để thanh toán cho nhà đầu tư nhằm bảo đảm ổn định về an ninh trật tự và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng Tây Nguyên. Bộ GTVT đề xuất vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư Dự án 746 tỷ đồng, gồm 688 tỷ đồng chi phí đầu tư xây dựng và 58 tỷ đồng chi phí vận hành khai thác, lãi vay.

Tin cùng chuyên mục