Thi công cửa hầm phía Bắc Đèo Cả. Ảnh: TTXVN. |
Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn chỉ đạo nhà đầu tư và các đơn vị liên quan triển khai Thông báo kết quả kiểm toán số 136/TB-KTNN về hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) và BT (Xây dựng – Chuyển giao).
Theo công văn số 1609/BGTVT-TC, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả khẩn trương, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục kịp thời đối với những sai sót, tồn tại nêu trong Báo cáo kiểm toán.
Đối với Ban Quản lý dự án 85 (Đại diện cơ quan Quản lý có thẩm quyền tại dự án) nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân bộ phận tư vấn quản lý dự án liên quan đến quản lý chi phí đầu tư không chặt chẽ.
Đặc biệt, đối với các Cục, vụ tham mưu thuộc Bộ Giao thông Vận tải, công văn Bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư các dự án đối tác công tư chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh về thay đổi thành phần trong liên doanh theo đúng quy định; Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân trong quản lý liên quan đến công tác thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư còn chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Đối với Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm thực hiện thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án dẫn đến việc sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ chưa hiệu quả.
Liên quan đến các sai sót mà thông báo Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra tại dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, về nội dung Kiểm toán Nhà nước chỉ ra đối với Bộ Giao thông Vận tải là “Việc chậm thực hiện thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án dẫn đến việc sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ chưa hiệu quả” là do một số nguyên nhân.
Trong đó, có khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư xuất phát từ việc phải thay đổi hợp đồng tín dụng với ngân hàng, về công tác quản lý khai thác, về thu hồi các khoản tạm ứng và tiến độ triển khai dự án... Đồng thời, theo quy định của Bộ Tài chính thì điều kiện thanh toán vốn trái phiếu Chính phủ phải đảm bảo “công trình được nghiệm thu hoàn thành, bàn giao theo tiến độ cam kết tại hợp đồng dự án”.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: “Bộ đã phối hợp với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan nỗ lực triển khai các thủ tục để giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ đã bố trí cho dự án. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của dự án và những vướng mắc về cơ chế chính sách nên việc giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ chưa được thực hiện kịp thời”.
Về nội dung tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay:
“Tổng mức đầu tư chỉ là kinh phí dự toán của dự án làm cơ sở để nhà đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình, chứ không phải là giá trị cuối cùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn dự án”.
Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả, cho biết, sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước về dự án Đèo Cả, lãnh đạo công ty đã tiến hành họp với các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát… về những vấn đề liên quan đến tồn tại của dự án mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra.
Theo đó, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Đèo Cả đánh giá cao báo cáo kiểm toán và chấp hành toàn bộ kết luận của Kiểm toán Nhà nước: “Đối với các đơn vị vi phạm được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, công ty sẽ xử lý theo hình thức dân sự, tức là quy định thưởng phạt trong hợp đồng.
Ngoài việc yêu cầu các đơn vi liên quan điều chỉnh giá trị thực hiện, các bên liên quan sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo giá trị quyết toán với Bộ Giao thông Vận tải .
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả đã có nhiều sai sót. Ảnh: TTXVN.
Cũng theo ông Hồ Minh Hoàng, đơn vị đã chủ động làm văn bản kiến nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán dự án, vì vậy, kết quả kiểm toán dự án Đèo Cả là một trong nhiều cơ sở để công ty thực hiện quyết toán với nhà thầu thi công thực hiện dự án và điều chỉnh phương án tài chính của dự án để xây dựng kế hoạch hoàn vốn cho dự án…
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã công bố báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Theo kết quả kiểm toán, việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư còn chưa hợp lý đã làm tăng tổng mức đầu tư điều chỉnh. Công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán chất lượng chưa cao, còn tính toán sai khối lượng so với thiết kế kỹ thuật, áp dụng sai định mức, đơn giá và sai khác làm tăng giá trị dự toán tại các gói thầu trên 42,7 tỷ đồng (trong đó gói 6A do Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt giá trị gần 1 tỷ đồng).
Công tác quản lý chi phí vẫn còn những tồn tại như thanh toán sai khối lượng, sai đơn giá, định mức, sai khác dẫn đến kết quả kiểm toán giảm trừ chi phí với giá trị gần 31,4 tỷ đồng.
Về chấp hành chế độ quản lý và sử dụng vốn đầu tư, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, trong quá trình thực hiện dự án còn sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả do chưa thu hồi kịp thời số tiền tạm ứng để thi công gói thầu số 12 dẫn đến làm tăng chi phí lãi vay 2,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc bố trí kế hoạch vốn và giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ cho dự án còn chậm…Trách nhiệm này thuộc về Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan đã thiếu quyết liệt trong thực hiện thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án dẫn đến việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của dự án chưa hiệu quả.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đầu tư xây hầm đường bộ Đèo Cả được Bộ phê duyệt năm 2012 với tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng, trong đó, hầm đường bộ Đèo Cả thực hiện theo hình thức BOT với kinh phí là 10.555 tỷ đồng; hầm Cổ Mã và đường dẫn thực hiện theo hình thức BT với kinh phí 4.509 tỷ đồng (Nhà nước sẽ thanh toán cho nhà đầu tư từ năm 2017-2027); vốn nhà nước hỗ trợ thực hiện giải phóng mặt bằng là 539 tỷ đồng./.