Siết chặt quản lý dự án BOT

(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ...
Doanh nghiệp BOT có thể bị buộc tạm dừng thu phí nếu không thực hiện việc báo cáo theo quy định. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp BOT có thể bị buộc tạm dừng thu phí nếu không thực hiện việc báo cáo theo quy định. Ảnh: Lê Tiên

Cùng với hàng loạt quy định mới, điểm đặc biệt của Dự thảo Thông tư là đưa ra quy định có tác động trực tiếp đến các nhà đầu tư BOT trước đây khi yêu cầu “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư có trách nhiệm bổ sung những nội dung của Thông tư này vào hợp đồng BOT”.

Nhiều quy định mới

Dự thảo Thông tư khi được ban hành sẽ thay thế Thông tư số 05/2010/TT-BGTVT ngày 9/2/2010 của Bộ GTVT quy định về tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ (TT05). Bộ GTVT sẽ triển khai lấy ý kiến đến ngày 8/11/2016 để hoàn thiện Dự thảo Thông tư.

So với TT05, Dự thảo Thông tư có nhiều điểm mới, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến các dự án BOT. Nhiều quy định mới trong Dự thảo Thông tư được đề xuất theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các trạm thu phí sử dụng đường bộ cũng như tăng tính minh bạch của các dự án BOT có liên quan. Cụ thể, Điều 6 TT05 chỉ quy định: “Thực hiện thông báo công khai (kể cả hình thức niêm yết tại nơi bán vé) về đối tượng thuộc diện trả tiền phí, mức thu và đối tượng được miễn thu phí sử dụng đường bộ”. Trong khi đó, Dự thảo Thông tư đưa ra các quy định cụ thể hơn về việc công khai thông tin như: “Thực hiện thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và Trung ương liên tục trước 3 ngày và niêm yết công khai tại trạm thu phí khi bắt đầu tổ chức thu phí về thời điểm bắt đầu thu phí, địa điểm trạm thu phí, công nghệ thu phí, hình thức thu phí, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn giảm phí sử dụng đường bộ”.

Dự thảo Thông tư cũng đưa ra quy định về tạm dừng thu phí trong nhiều trường hợp, trong đó có trường hợp nhà đầu tư vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ cho đến khi khắc phục xong vi phạm theo Khoản 2, Điều 21 Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12/12/2013 quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ (hoặc các văn bản thay thế).

Việc tạm dừng thu phí cũng được áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp BOT để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến đường, công trình đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã yêu cầu khắc phục nhưng không khắc phục hoặc chậm khắc phục và bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhắc nhở 2 lần.

Ngoài ra, nhà đầu tư (doanh nghiệp BOT) chậm nộp báo cáo quyết toán công trình BOT theo quy định; các đơn vị thu phí không thực hiện việc sao lưu dữ liệu thu phí… cũng thuộc trường hợp bị “tạm dừng thu phí”.

Đặc biệt, tại Điều 10 Dự thảo Thông tư quy định rõ về chế độ báo cáo, đây là điểm mới so với quy định hiện hành tại TT05. Theo đó, đơn vị thu phí có trách nhiệm báo cáo định kỳ (Báo cáo doanh thu thu phí hàng tháng, quý, năm; Báo cáo việc quản lý, sử dụng tài sản định kỳ 6 tháng/lần) hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý công tác thu phí). Điều 11 Dự thảo Thông tư cũng đưa ra quy định tạm dừng thu phí đối với các đơn vị thu phí không thực hiện việc báo cáo theo quy định tại Điều 10.

Bổ sung quy định mới vào hợp đồng BOT cũ có khả thi?

Việc bổ sung nội dung của Thông tư mới vào hợp đồng BOT cũ có được thực thi hay không lại còn tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trong các hợp đồng BOT cũ như thế nào.
Tại Điều 14 Dự thảo Thông tư có quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư có trách nhiệm bổ sung những nội dung của Thông tư này vào hợp đồng BOT”.

Liên quan đến quy định này, trao đổi với Báo Đấu thầu, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO cho biết: “Điều này được hiểu là “việc bổ sung những nội dung của Thông tư” sẽ áp dụng đối với các hợp đồng BOT liên quan đã ký trước thời điểm Thông tư có hiệu lực. Còn các hợp đồng ký ở thời điểm Thông tư đã có hiệu lực thì đương nhiên phải tuân thủ quy định mới tại Thông tư mà không cần phải yêu cầu bổ sung”.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: “Điều quan trọng là việc bổ sung nội dung của Thông tư mới vào hợp đồng BOT cũ có được thực thi hay không lại còn tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trong các hợp đồng BOT cũ như thế nào. Nếu trong hợp đồng cũ có điều khoản hai bên thừa nhận sẽ thực hiện theo quy định mới khi quy định của pháp luật có thay đổi thì có nghĩa là các quy định mới của Thông tư đương nhiên sẽ được bổ sung vào Hợp đồng. Trường hợp ngược lại, việc bổ sung nội dung của Thông tư mới vào hợp đồng như thế nào lại phụ thuộc vào kết quả trao đổi, thỏa thuận giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được, dẫn đến tranh chấp hợp đồng, dẫn nhau ra tòa thì phải đợi kết quả phán quyết của tòa”.

Hàng loạt các quy định khác liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ được đưa ra trong Dự thảo Thông tư nếu được thông qua sẽ có tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp BOT. Và liệu “việc bổ sung những nội dung của Thông tư” đối với các hợp đồng BOT giao thông đã ký trước thời điểm Thông tư có hiệu lực có khả thi không là vấn đề các cơ quan chức năng cần cân nhắc.