Trước tình hình bất động sản có dấu hiệu nóng, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát và có cảnh báo tới các tổ chức tín dụng |
Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến hết tháng 3, tín dụng tăng trưởng khoảng 2,3% so với cuối năm 2020. Con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng chưa đến 1%. Tính đến ngày 28/2, tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với năm 2020 (trong đó, kinh doanh bất động sản tăng 2,82%).
Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng tung ra các chương trình khuyến mại cho vay mua nhà, hay sửa chữa nhà ở với gói lãi suất thấp. Cùng đó, có một cuộc chạy đua quyết liệt vào các dự án bất động sản được ngân hàng bảo lãnh với mức vay ưu đãi, tỉ lệ vay lên tới 70% tổng giá trị nhà, đất ở theo hợp đồng.
Trước tình trạng sốt bất động sản từ Bắc chí Nam, nhiều ý kiến cho rằng, dòng tiền vào bất động sản ngoài từ lợi nhuận chứng khoán sang, một phần chảy từ kênh lãi suất tiết kiệm và việc nới tín dụng theo nhiều hình thức của các nhà băng. Liên quan vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề bất động sản gần đây tương đối nóng; tại nhiều địa phương, giá bất động sản có chiều hướng tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có tình trạng một số đối tượng cơ hội tung tin không chính xác (dựa vào một số vấn đề về công tác điều hành giá cả, thuế đất…) để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.
Ông Tú khẳng định, tín dụng bất động sản là một trong những lĩnh vực mà ngành ngân hàng quản lý sát sao, chặt chẽ; câu chuyện dịch chuyển dòng vốn, thị trường tiền tệ sang thị trường bất động sản là nội dung được quán xuyến. Ở góc độ quản lý điều hành, NHNN đã kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có dấu hiệu rủi ro.
Theo NHNN, thông thường, tín dụng bất động sản được chia nhỏ thành 2 lĩnh vực: tín dụng vào lĩnh vực mà đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án (nghỉ dưỡng, biệt thự…) với khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao. Đây là đối tượng được NHNN kiểm soát chặt chẽ và hạn chế. Lĩnh vực thứ 2 là tín dụng đầu tư cho thanh khoản của sản phẩm hàng hóa tiêu dùng bất động sản. Ví dụ, nhà cho người thu nhập thấp, phân khúc thị trường nhà giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân. Phần này vẫn được giao cho các ngân hàng thương mại quan tâm, triển khai.
“Trước tình hình bất động sản có những dấu hiệu nóng, NHNN đã giám sát, cảnh báo tới các tổ chức tín dụng. Hiện nay, mức tăng 2,13% này không phải ở tất cả tổ chức tín dụng mà chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay, có thể hơn mức bình thường so với trước đây”, ông Tú nói. Theo ông, việc điều hành chính sách lãi suất thời gian tới vẫn trên quan điểm là tạo sự ổn định, duy trì sự ổn định này đối với cả lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới (như giá nguyên liệu được dự đoán tăng 30% trong năm nay) hoặc một số lĩnh vực khác.