“Sốt ruột” trước thực trạng cạn đất công nghiệp tại Đồng Nai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 7 tháng đầu năm 2023, Đồng Nai thu hút được khoảng 702,76 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư trong nước đạt khoảng 6.708,67 tỷ đồng, gấp hơn 13,9 lần so với cùng kỳ năm 2022. Sức hấp dẫn đầu tư tại Đồng Nai rất lớn, nhưng quỹ đất công nghiệp không còn nhiều, diện tích đất khu công nghiệp (KCN) lớn có thể sẵn sàng tiếp nhận dự án FDI đã hết. Cạn quỹ đất công nghiệp, Đồng Nai có thể hụt hơi trong thu hút đầu tư.
Nhiều khu công nghiệp tại Đồng Nai đã đi vào hoạt động nhưng chưa hết vướng mắc. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều khu công nghiệp tại Đồng Nai đã đi vào hoạt động nhưng chưa hết vướng mắc. Ảnh: Lê Tiên

Vướng mắc từ nhiều phía

Ngày 23/8, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan đến dự án đầu tư hạ tầng 2 KCN là Amata (giai đoạn 3B) và Long Đức 3.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, Dự án KCN Amata giai đoạn 3B được phê duyệt năm 2009 với diện tích 180 ha tại TP. Biên Hòa. Do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB) nên Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa (Chủ đầu tư) đã 2 lần đề xuất giảm diện tích còn khoảng 134 ha. Hiện tại, Dự án vẫn cần giải trình rõ vấn đề nguồn gốc đất để làm cơ sở đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư. Tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu TP. Biên Hòa báo cáo rà soát nguồn gốc đất, căn cứ pháp lý thu hồi đất, tạm giao đất cho nhà đầu tư.

Đối với Dự án KCN Long Đức 3 do Công ty CP KCN Long Đức 3 làm Chủ đầu tư có quy mô hơn 244 ha tại huyện Long Thành, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư vào tháng 7/2023. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai cần lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường giao đất và xử lý tài sản trên đất; quy hoạch xây dựng, nhà ở, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Để đảm bảo pháp lý cho Dự án, thuận lợi cho quá trình triển khai, Đồng Nai sẽ đưa Dự án vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Long Thành và Ban Quản lý các KCN Tỉnh sẽ lập quy hoạch.

Ngoài 2 KCN thành lập mới trên, nhiều KCN đã đi vào hoạt động cũng chưa hết vướng. Theo thông tin tại cuộc gặp gỡ giữa chủ đầu tư các KCN với lãnh đạo Tỉnh nhằm trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ, có 10 KCN còn vướng GPMB, hỗ trợ, tái định cư với tổng diện tích đất khoảng 820 ha. Cụ thể, KCN Hố Nai vướng GPMB hơn 110 ha, bao gồm cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2; KCN Sông Mây gần 258 ha; KCN Long Thành hơn 2 ha; KCN Thạnh Phú hơn 38 ha; KCN Ông Kèo gần 205 ha; KCN An Phước 3 ha; KCN Bàu Xéo gần 19 ha; KCN Giang Điền gần 1 ha; KCN công nghệ cao Long Thành 163 ha; KCN Amata hơn 25 ha. Nguyên nhân khiến các KCN không thể hoàn thành GPMB là do các hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá bồi thường thấp, chưa bố trí tái định cư sau khi thu hồi đất.

Ngoài mặt bằng, nhiều KCN còn gặp khó khăn do hạ tầng kết nối chưa đồng bộ. Ông Thái Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Long Thành, Chủ đầu tư KCN công nghệ cao Long Thành cho biết, kết nối hạ tầng logistics, giao thông, hạ tầng xã hội… trong khu vực KCN công nghệ cao Long Thành chưa được hoàn chỉnh. Điều này dẫn đến khi dự án hình thành, việc cung ứng, cung cấp dịch vụ đi kèm chưa tương xứng, bất cập. KCN này được quyết định thành lập dự án và cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2015, nhưng do chậm GPMB, hạ tầng kết nối chắp vá nên nhiều lần trễ hẹn khởi công. Tháng 7/2023, Dự án mới được khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Tương tự, bà Dương Thị Kiều Anh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP KCN Hố Nai, Chủ đầu tư KCN Hố Nai cho biết, tuyến đường huyết mạch Điều Xiển nối từ Quốc lộ 1 vào KCN Hố Nai đã quá tải, ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm, dù đã nâng cấp song vẫn rất hẹp khiến các phương tiện, nhất là xe tải, xe container lưu thông khó khăn. Đại diện KCN Hố Nai mong tỉnh Đồng Nai sớm có biện pháp giải tỏa áp lực giao thông cho tuyến kết nối huyết mạch này để thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Khan đất công nghiệp, khó thu hút đầu tư

Báo cáo của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho thấy, Tỉnh hiện có 33 KCN với tổng diện tích đất hơn 10,5 nghìn ha. Trong đó, 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư (KCN công nghệ cao Long Thành) và 1 KCN vừa được thành lập (KCN Long Đức 3). Các KCN đã cho thuê được hơn 6 nghìn ha, đạt 85,3% diện tích đất cho thuê. Hiện tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đạt cao, quỹ đất công nghiệp dành cho thuê không còn nhiều.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, Đồng Nai thu hút được khoảng 702,76 triệu USD vốn FDI, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cấp mới 42 dự án với tổng vốn đăng ký 149,78 triệu USD (tăng 2,2 lần về số dự án và bằng 54,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022); 55 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 552,98 triệu USD (tăng 25% về số dự án và tăng gấp 2,2 lần về vốn). Lượng vốn đầu tư trong nước đạt khoảng 6.708,67 tỷ đồng, gấp hơn 13,9 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cấp mới 10 dự án trong KCN và 7 dự án ngoài KCN với tổng vốn đăng ký là 5.932,56 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần so cùng kỳ năm ngoái.

Sức hấp dẫn đầu tư tại Đồng Nai rất lớn. Tuy nhiên, quỹ đất công nghiệp dành cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều, diện tích đất KCN lớn có thể sẵn sàng tiếp nhận dự án FDI đã hết, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút đầu tư. Hiện Đồng Nai đang trong giai đoạn lập quy hoạch tỉnh nên muốn cấp phép đầu tư các dự án KCN phải đợi quy hoạch được phê duyệt. Để khắc phục tình trạnh thiếu đất công nghiệp, trong ngắn hạn, Đồng Nai và các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đang dốc sức thực hiện bồi thường GPMB và gỡ vướng vấn đề hạ tầng giao thông kết nối.

Theo tìm hiểu, mấy năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai đã có những bước đi để tăng tổng quỹ đất cho phát triển công nghiệp. Theo đó, Đề án mở rộng, bổ sung KCN đã được thực hiện với mục tiêu bổ sung hơn 7 nghìn ha đất phát triển công nghiệp. Trong đó, điều chỉnh mở rộng 3 KCN gồm: KCN Dầu Giây (huyện Thống Nhất) tăng thêm 75 ha; KCN Long Khánh (TP. Long Khánh) điều chỉnh tăng 500 ha; KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) tăng thêm 170 ha và định hướng bổ sung quy hoạch các KCN mới với diện tích hàng nghìn ha.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẳng định, Tỉnh sẽ đồng hành với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN để tháo gỡ vướng mắc đối với từng KCN, đẩy nhanh khâu hoàn tất thủ tục thành lập các KCN mới nhằm tăng quỹ đất công nghiệp, giải “cơn khát” đất thương phẩm KCN cho các nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục