S&P Global: Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - S&P Global vừa công bố Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 5/2023, trong đó đưa ra 3 điểm nhấn nổi bật là: Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn; chi phí đầu vào giảm lần đầu tiên trong ba năm; việc làm và hoạt động mua hàng giảm.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Báo cáo của S&P Global nhận xét, dữ liệu trong tháng 5/2023 cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm khi tình trạng nhu cầu tiếp tục yếu kém. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn khi các công ty giảm việc làm và hoạt động mua hàng tương ứng. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm.

Theo S&P Global, tiếp tục có những bằng chứng cho thấy áp lực giá cả giảm trong ngành sản xuất của Việt Nam. Chi phí đầu vào giảm lần đầu tiên trong ba năm, có nghĩa là các nhà sản xuất đã có thể giảm giá bán hàng để thúc đẩy nhu cầu.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống 45,3 điểm trong tháng 5 so với 46,7 điểm trong tháng 4, từ đó báo hiệu lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp của các điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, mức giảm lần này của "sức khỏe" ngành sản xuất là đáng kể nhất kể từ tháng 9/2021.

S&P Global: Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm ảnh 1

S&P Global cho biết, nhiều báo cáo đã chỉ ra tình trạng nhu cầu khách hàng yếu kém trong kỳ khảo sát mới nhất. Ảnh hưởng của điều này có thể cảm nhận rõ ràng nhất với số lượng đơn đặt hàng mới, khi chỉ số này ghi nhận mức giảm lớn nhất trong 20 tháng. Những khó khăn trong việc duy trì doanh thu cũng được ghi nhận ở các thị trường xuất khẩu khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm tháng thứ ba liên tiếp.

Với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, các công ty cũng giảm sản lượng vào thời điểm giữa quý II của năm. Sản lượng đã giảm ở cả ba lĩnh vực sản xuất, với mức giảm mạnh nhất là ở lĩnh vực sản xuất hàng hóa trung gian.

Báo cáo của S&P Global nêu rõ, sự yếu kém của nhu cầu tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh khi chỉ số này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.

Một số công ty giảm số lượng nhân viên do khối lượng công việc giảm. Điều này, cộng với một số trường hợp nghỉ việc tự nguyện, đã khiến việc làm tiếp tục giảm trong tháng 5, mặc dù mức độ giảm là nhẹ hơn so với kỳ khảo sát trước.

S&P Global: Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm ảnh 2

Báo cáo của S&P Global chỉ ra, các nhà sản xuất đã giảm hoạt động mua hàng với một tốc độ đáng kể. Từ đó, tồn kho hàng mua cũng giảm, với mức độ giảm lớn nhất trong gần hai năm. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi các công ty điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp với số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Nhu cầu yếu kém cũng khiến các nhà cung cấp giảm giá bán hàng. Chi phí đầu vào nhờ đó đã giảm lần đầu tiên trong ba năm. Giá cả đầu vào giảm đã giúp các công ty dễ dàng hơn trong việc giảm giá bán hàng trong nỗ lực thúc đẩy nhu cầu. Giá bán hàng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, và tốc độ giảm gần như ngang bằng với kỳ khảo sát trước.

Theo ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 5 là nguyên nhân dẫn đến lo ngại rằng ngành sản xuất của Việt Nam có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không phải chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời. Các công ty đã có động thái ứng phó bằng cách giảm cả sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng.

Tin cùng chuyên mục