Sửa đổi, bổ sung đơn giá, định mức: Chờ đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã hơn 5 tháng trôi qua kể từ ngày Công điện số 02/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng được ban hành (ngày 9/1/2024), nhưng việc triển khai thực hiện vẫn “lửng lơ”, khó khăn của nhà thầu chưa được giải quyết. Bộ Xây dựng mới dừng ở bước lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD về ban hành định mức xây dựng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm

Tại Công điện số 02/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức đã được Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền nhưng chưa phù hợp hoặc còn thiếu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 4/2024. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, địa phương tổ chức xây dựng định mức dự toán đặc thù của chuyên ngành, của địa phương có công nghệ thi công, điều kiện thi công, vật liệu xây dựng mới hoặc chưa có trong hệ thống định mức hiện hành…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện nhiều nhà thầu cho biết, khi Công điện số 02/CĐ-TTg được ban hành, các nhà thầu đặt kỳ vọng rất lớn vào việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập về định mức, đơn giá xây dựng. Nhiều định mức xây dựng đã tồn tại hàng chục năm, trở nên lỗi thời và lạc hậu so với giá cả hiện nay khiến cho việc tổ chức thi công của nhà thầu gặp nhiều khó khăn, càng làm càng thua lỗ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn cho những định mức cơ bản (chiếm đến 80% giá thành xây dựng) như: hệ số nhân công, đất đắp, cát xây dựng, hệ số ca máy… Bên cạnh đó, do tính cấp bách của việc phải sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, nhà thầu đang phải chịu nhiều sức ép về tiến độ thi công, cộng thêm gánh nặng bất cập về định mức, đơn giá xây dựng kéo dài làm kiệt quệ nguồn lực tài chính của nhà thầu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Uông Việt Dũng - Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ Giao thông sẵn sàng phối hợp với Bộ Xây dựng để sớm ban hành các đơn giá, định mức bổ sung hoặc điều chỉnh các đơn giá, định mức cũ, không để tình trạng nhà thầu càng làm càng lỗ lâu hơn nữa. Tuy nhiên, nhiều đơn giá, định mức đã được Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền thì phải có ý kiến của Bộ Xây dựng lên cấp có thẩm quyền chấp thuận về việc trao quyền này và cho phép Bộ GTVT được ban hành các định mức chuyên ngành.

Ngày 14/6/2024, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD về ban hành định mức xây dựng. Nhiều định mức cần phải khảo sát thực tế và đánh giá tác động của chính sách để sửa đổi, bổ sung nhằm tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện gói thầu/công trình/dự án cho nhà thầu. Dự kiến, cuối tháng 6/2024, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ GTVT và một số địa phương thực hiện khảo sát các chỉ số xây dựng, từ đó lên phương án điều chỉnh các đơn giá, định mức. Tuy nhiên, ông Biên chưa cho biết dự kiến bao giờ ban hành thông tư này.

Ở một diễn biến khác, ngày 13/6/2024, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Phú Yên cùng có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công (áp dụng đối với dịch vụ công ích đô thị) theo thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Xây dựng được quy định tại Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Trước đó, Sở Xây dựng Lào Cai, Sở Xây dựng Nam Định… cũng có văn bản tương tự đề nghị Bộ Xây dựng ban hành định mức áp dụng đối với dịch vụ cây xanh đô thị, chiếu sáng đô thị. Động thái này của các địa phương được xem là “phản ứng” lại yêu cầu của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 3208/BXD-KTXD ngày 29/5/2024 yêu cầu các địa phương phải ban hành định mức áp dụng đối với dịch vụ cây xanh đô thị, chiếu sáng đô thị thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh.

Một số ý kiến thắc mắc về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều đơn giá, định mức. Có loại đơn giá, định mức như trong dịch vụ công ích đô thị cần Bộ ban hành để đảm bảo thống nhất, thuận lợi trong thực hiện thì lại được chuyển trách nhiệm cho địa phương, trong khi thẩm quyền và trách nhiệm ban hành là của Bộ Xây dựng. Đối với một số đơn giá, định mức chuyên ngành thì Bộ Xây dựng chưa mạnh dạn đề xuất trao quyền cho bộ chuyên ngành được ban hành và tự chịu trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục