Sửa đổi Luật Đấu thầu: Đề xuất làm rõ tiêu chí xác định xuất xứ hàng hoá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu (LCNT) là một trong những nội dung đang được xem xét sửa đổi, bổ sung tại Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 7 luật ngành tài chính (trong đó có Luật Đấu thầu) để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra tháng 5/2025.
Làm rõ ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu sẽ là “cú hích” tạo động lực cho doanh nghiệp ngành dược mạnh dạn đầu tư cũng như thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Làm rõ ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu sẽ là “cú hích” tạo động lực cho doanh nghiệp ngành dược mạnh dạn đầu tư cũng như thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Bên cạnh đề xuất bổ sung đối tượng hưởng chính sách ưu đãi trong LCNT, nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí xác định sản phẩm sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam cũng cần được làm rõ để các bên có căn cứ tính ưu đãi, bảo đảm tính khả thi trong LCNT.

Là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành dược được xác định cần ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển. Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh việc ưu tiên nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền từ nguồn dược liệu trong nước, dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước, thuốc công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm.

Về phía doanh nghiệp, Công ty CP Dược Hà Tây (Hataphar) cho biết, Công ty phấn đấu hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành đồng bộ Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao Hataphar 1.350 tỷ đồng vào quý IV/2027. Nhà máy có công suất sản xuất 2 tỷ sản phẩm/năm đối với thuốc tân dược tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường, với kỳ vọng, sản phẩm mới sẽ tiến sâu hơn vào “sân chơi” kênh đấu thầu thuốc (ETC).

Tại Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar), bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc chia sẻ, ngành dược là một trong những ngành công nghiệp đòi hỏi đáp ứng yêu cầu cao và nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật như: GMP-WHO, GMP-JAPAN, GMP-EU… Để đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất dược phẩm hay nhận chuyển giao công nghệ sản xuất dược, đòi hỏi chi phí rất lớn, đầu tư trong thời gian dài. Theo đó, chính sách ưu đãi trong LCNT sẽ là “cú hích” tạo động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển bền vững, cũng như thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.

Khảo sát việc LCNT thời gian qua cho thấy, một số doanh nghiệp đã được thụ hưởng chính sách ưu đãi và có cơ hội trúng thầu cao hơn. Đơn cử, tại Gói số 1 Mua thuốc generic phục vụ công tác khám, chữa bệnh năm 2025 - 2026 của Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), mã thuốc GE6 hoạt chất Cefaclor 150mg của Công ty CP Dược phẩm Imexpharm được hưởng ưu đãi khi chứng minh được tỷ lệ sản xuất trong nước là 75,46%; mã thuốc GE7 hoạt chất Cefadroxil 250mg của Công ty CP Pymepharco được hưởng ưu đãi trong LCNT nhờ tỷ lệ sản xuất trong nước 72,15%...

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu cho biết, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh tỷ lệ sản xuất trong nước đối với mặt hàng dự thầu. Nhiều trường hợp, dù đã kê khai là hàng sản xuất trong nước trong hồ sơ dự thầu, nhưng do không cung cấp được tài liệu chứng minh cụ thể cho bên mời thầu nên nhà thầu đã không được tính ưu đãi. Đặc biệt, những doanh nghiệp mới gia nhập vào thị trường mua sắm công cung ứng thuốc cho các bệnh viện thường xuyên gặp khó khăn này.

“Chúng tôi không biết phải cung cấp những tài liệu, giấy tờ gì để chứng minh tỷ lệ sản xuất trong nước của mặt hàng tham dự thầu”, Trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp sản xuất dược nói.

Nhiều nhà thầu cho biết vẫn gặp khó khăn trong việc chứng minh tỷ lệ sản xuất trong nước đối với mặt hàng thuốc dự thầu. Ảnh: Tiên Giang

Nhiều nhà thầu cho biết vẫn gặp khó khăn trong việc chứng minh tỷ lệ sản xuất trong nước đối với mặt hàng thuốc dự thầu. Ảnh: Tiên Giang

Theo Bộ Y tế, đến nay, các chủ thể trong đấu thầu vẫn vướng mắc trong việc đánh giá hàm lượng nội địa trong nước, khó đánh giá ưu đãi. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc xác định hàng hóa sản xuất trong nước để việc thực hiện ưu đãi trong LCNT bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Để áp dụng được cơ chế ưu đãi trong LCNT, tại văn bản góp ý xây dựng Dự thảo 1 luật sửa 7 luật (trong đó có Luật Đấu thầu 2023), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần có tiêu chí rõ ràng, minh bạch, xác định thế nào là “sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam”; bổ sung cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Thực tế cho đến nay nước ta chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể, đầy đủ và có giá trị pháp lý cao về tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam. Việc thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng đã gây lúng túng cho các bên trong việc xác định cũng như áp dụng ưu đãi, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp và khiếu kiện từ phía nhà thầu.

Khó khăn trên đã được nêu ra từ lâu, nhưng theo VCCI, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành các quy định về ghi nhãn “made in Vietnam” hoặc tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa nội địa. Trong khi đó, để bảo đảm việc thực thi hiệu quả quy định ưu đãi trong đấu thầu, cần có một cơ chế xác định rõ ràng, dễ áp dụng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong khi chờ Luật Đấu thầu (sửa đổi) xem xét gỡ khó khăn nêu trên, VCCI đề nghị, trước mắt có thể sử dụng cơ chế Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do VCCI cấp theo thông lệ quốc tế làm căn cứ xác định hàng hóa có xuất xứ nội địa để áp dụng chính sách ưu đãi trong đấu thầu. Đây là công cụ đang được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế, có quy trình rõ ràng, đã được công nhận bởi các đối tác thương mại của Việt Nam và có thể áp dụng với bối cảnh trong nước.

Trước những ý kiến góp ý và đề xuất nêu trên, Ban soạn thảo cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu với dự kiến đưa vào Nghị định hướng dẫn chi tiết về ưu đãi trong đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục