Nếu quy định mới được áp dụng, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm điều kiện để phát triển tín dụng. Ảnh: Quế Như |
Với nội dung Dự thảo, các ngân hàng sẽ “dễ thở” hơn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, từ đó hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của cả năm 2017. Ngoài ra, các quy định được sửa đổi sẽ giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh hơn.
Sửa đổi cho phù hợp mục tiêu trước mắt
Đáng chú ý tại dự thảo lần này là lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã được xem xét giãn ra. Cụ thể, thay vì quy định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đối với các ngân hàng thương mại là 40% bắt đầu từ 1/1/2018 theo Thông tư số 06/2016/TT-NHNN, tỷ lệ này là 45% và bắt đầu năm 2019, mức 40% mới phải áp dụng.
Việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng đã giao NHNN xem xét, điều chỉnh mở rộng hạn mức tín dụng cho vay trung - dài hạn của các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cả năm, cũng như làm tiền đề cho tăng trưởng của các năm tới tại Phiên họp thường kỳ tháng 5/2017 của Chính phủ.
Theo nhiều chuyên gia, việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tạo thêm nhiều dư địa cho việc tăng trưởng tín dụng. Thực trạng của nền kinh tế Việt Nam cho thấy, nguồn vốn của các tổ chức kinh tế và cá nhân phần lớn phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng. Vì vậy, việc tăng, giảm hạn mức cấp tín dụng ra nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng.
Nếu quy định mới tại Dự thảo được áp dụng, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm điều kiện để phát triển tín dụng mà chưa phải lo lắng nhiều về khả năng đụng “trần” các tỷ lệ giới hạn như quy định ban đầu của Thông tư 36, Công ty CP Chứng khoản Bản Việt (BVSC) nhận định.
Bộ phận nghiên cứu của LienVietPostBank cho biết, đặc điểm cố hữu của các ngân hàng thương mại là “huy động ngắn, cho vay dài”, trong khi nền kinh tế lại cần những khoản vay kỳ hạn dài do tính chu kỳ và độ trễ của sản xuất kinh doanh. Khi điều này gây ra tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động - cho vay, thì quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn là đúng đắn. Tuy nhiên, thay vì hạ ngay lập tức, việc giãn lộ trình lần này sẽ giúp các ngân hàng thương mại “dễ thở” hơn, có điều kiện đáp ứng tín dụng tốt hơn cho nhu cầu vốn cao của nền kinh tế.
Giúp hoạt động hệ thống ngân hàng lành mạnh
Trong dự thảo lần này cũng tiếp tục đưa ra nhiều sửa đổi, bổ sung để giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn và lành mạnh hơn. Cụ thể, Dự thảo đưa ra các quy định nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, xung đột lợi ích, thâu tóm tổ chức tín dụng khác, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng - một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho tình trạng nợ xấu ngày một trầm trọng.
Việc cấp tín dụng để kinh doanh bất động sản cũng được xem xét kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngoài việc tăng hệ số rủi ro đối với cho vay nhằm mục đích kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% tại Thông tư số 06/2016/TT-NHNN, dự thảo lần này cũng đưa ra quy định buộc các tổ chức tín dụng phải có chính sách nội bộ nhằm kiểm soát hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, Dự thảo còn sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số hệ số rủi ro; quy định chặt chẽ hơn về cấp tín dụng và minh bạch trong cấp tín dụng; thắt chặt hơn quy định về vốn cấp 2 và khuyến khích các ngân hàng áp dụng phương pháp tiêu chuẩn Basel II.