Sửa Luật Đấu thầu: Phù hợp sân chơi mới, hút nguồn lực mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thi hành từ tháng 7/2014 đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu đến nay cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết sửa đổi, vừa để khắc phục khó khăn, vướng mắc, vừa để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do, huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực cho phát triển.
Từ năm 2015 đến năm 2020, cả nước có 1.406.754 gói thầu được thực hiện theo Luật Đấu thầu với tổng giá gói thầu là 3.954.035 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 3.715.484 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Từ năm 2015 đến năm 2020, cả nước có 1.406.754 gói thầu được thực hiện theo Luật Đấu thầu với tổng giá gói thầu là 3.954.035 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 3.715.484 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều hiệu quả qua đấu thầu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ năm 2015 đến năm 2020, cả nước có 1.406.754 gói thầu được thực hiện theo Luật Đấu thầu, với tổng giá gói thầu là 3.954.035 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 3.715.484 tỷ đồng, chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu (giá trị tiết kiệm) là 238.549 tỷ đồng, tương ứng 6,033%.

Bộ KH&ĐT nhận định, từ năm 2015 đến năm 2020, các gói thầu tăng cả về số lượng, quy mô. Mặc dù tỷ lệ tiết kiệm của cả nước chưa cao, nhưng vẫn có nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đấu thầu hiệu quả, tỷ trọng về giá trị các gói thầu chỉ định thầu giảm dần theo từng năm; tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu sử dụng vốn nhà nước để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước tăng cao theo từng năm. Trong năm 2019, 2020, hoạt động đấu thầu tập trung đã được triển khai tốt, tỷ lệ tiết kiệm qua việc mua sắm tập trung của cả nước khá cao (11,59%). Năm 2020 cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của đấu thầu qua mạng, nhiều bộ, ngành, địa phương đều triển khai rất quyết liệt và vượt chỉ tiêu lộ trình được quy định...

Đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư, năm 2020, có 299 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng mức đầu tư khoảng 344.179 tỷ đồng và tổng diện tích đất khoảng 14.800 ha. Dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã hạn chế được tình trạng chỉ có một nhà đầu tư tham gia đấu thầu và được lựa chọn, qua đó, góp phần thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Cải cách để làm tốt hơn

Theo phản ánh của nhiều bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành đã tồn tại nhiều năm ảnh hưởng đến chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu trong quá trình thực hiện. Vấn đề này đã được Bộ KH&ĐT phản ánh tại báo cáo công tác đấu thầu trình Chính phủ hàng năm, tuy nhiên, vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trong quá trình triển khai Luật đã phát sinh nhiều trường hợp cần lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật quy định như: lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh (dự án phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa, dự án có từ 2 nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án...).

Luật Đấu thầu đã có quy định nhưng chưa đầy đủ để khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo; mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững; ưu đãi đối với hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội…

Thực tiễn hoạt động mua sắm, đấu thầu trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi bổ sung quy định để đáp ứng đòi hỏi cấp bách trong việc mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mặc dù đã được đơn giản hóa nhưng trong một số trường hợp vẫn còn có thể cải cách tốt hơn, cải tiến quy trình nhằm góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa công trình vào khai thác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Về chính sách, theo Bộ KH&ĐT, đến nay các luật có liên quan đến Luật Đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung hoặc được ban hành sau khi Luật Đấu thầu được ban hành năm 2013, như Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu thầu có liên quan đến các luật nêu trên nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết, tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy trình về mua sắm chính phủ như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA)… Trong các hiệp định này có một số điểm khác biệt so với Luật Đấu thầu 2013. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu để phù hợp với các FTA mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo đảm thực thi đúng các cam kết quốc tế.

Với phạm vi sửa đổi rộng, Bộ KH&ĐT đề nghị sửa toàn diện Luật Đấu thầu 2013. Việc sửa Luật sẽ bảo đảm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, nhiều quy định mới dự kiến được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo ra cơ chế thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho nhóm lao động yếu thế... Thông qua đó, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới để phát triển nhanh và bền vững...

Tin cùng chuyên mục