Suy giảm nguồn lực hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững

(BĐT) - Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy giảm nguồn lực khi trở thành quốc gia thu nhập trung bình và phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cảnh báo này được đưa ra tại Hội thảo “Từ mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) tới mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và sự tham gia của các tổ chức nhân dân” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp với ActionAid Việt Nam tổ chức mới đây.

Thách thức suy giảm nguồn vốn ODA

Theo ông Vũ Quang Anh, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao, sự suy giảm về nguồn lực, mà đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đang đặt ra những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Đồng quan điểm, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, viễn cảnh ODA giảm dần sẽ gây khó khăn cho Chính phủ trong việc bố trí nguồn ngân sách cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đặt biệt là về đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng, chăm sóc y tế, nâng cao phúc lợi xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Cụ thể, các tác động chủ yếu của thách thức này là làm giảm tính linh hoạt trong thực hiện các chính sách và triển khai tiến trình cải cách. Do vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị, một trong những trọng tâm của giai đoạn tới là sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn các nguồn lực, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực khác, bao gồm khu vực tư nhân thông qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều đối tác phát triển đã và sẽ tiếp tục rút lui với tư cách là nhà tài trợ song phương, mặc dù họ vẫn sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ thông qua nhiều kênh khác hoặc qua các chương trình toàn cầu. Cụ thể, theo Báo cáo quốc gia Kết quả 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ tại Việt Nam dẫn tại Hội thảo, đối tác Hà Lan đã ngừng hỗ trợ song phương vào năm 2012, Thụy Điển kết thúc hỗ trợ song phương vào năm 2013, Đan Mạch vào năm 2015, Cơ quan Hợp tác phát triến Anh quốc trong năm 2016 và tiếp theo đó, Phần Lan cũng sẽ chấm dứt hỗ trợ song phương vào năm 2017 - 2018.

Một vấn đề cũng đang nổi lên là tài trợ trong tương lai sẽ tập trung vào tăng cường năng lực và một số lĩnh vực khác có thể không đồng nhất với mục tiêu phát triển bền vững chung của Chính phủ. Do đó, việc sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả cũng như tăng cường tìm kiếm, huy động các nguồn lực khác là một trong những đòi hỏi cấp thiết trong thời gian tới.

Bài toán đầu tư và mô hình tăng trưởng hiệu quả

Theo các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một vấn đề lớn đặt ra đối với việc sử dụng nguốn vốn ODA còn lại chính là làm thế nào để giải bài toán mô hình tăng trưởng một cách hiệu quả. Nghiên cứu tại Báo cáo quốc gia Kết quả 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ tại Việt Nam cho thấy, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua phụ thuộc nhiều vào đầu tư vốn với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP luôn là 30 - 43% trong suốt giai đoạn 2005 - 2013.

Cùng với việc giải bài toán sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, định hướng khả thi được các chuyên gia khuyến nghị là tăng cường huy động nguồn lực mới, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân thông qua hình thức đầu tư PPP.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình này gần đây đã không còn hiệu quả như trước. Mặt khác, việc quản lý, sử dụng vốn ODA thiếu hiệu quả cũng cản trở khả năng trả nợ của quốc gia. Bên cạnh đó, khung pháp lý cho việc giám sát, quản lý đầu tư công chưa hoàn thiện là những vướng mắc đối với sử dụng nguồn vốn công hiệu quả. Đồng thời, việc lập kế hoạch và phân bổ nguồn vốn theo từng năm đã dẫn tới tình trạng dự án không thể hoàn thành do thiếu vốn vào cuối dự án.

Một thách thức nữa được đặt ra là phải nâng cao khả năng lập kế hoạch tài chính cho các dự án kéo dài nhiều năm và điều phối ở cấp độ vùng và quốc gia cho các dự án hạ tầng, thay cho hệ thống lập kế hoạch theo tính rời rạc như hiện nay. Để giải quyết được bài toán này, theo khuyến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNDP, cần phát triển chiến lược tài chính ngành/lĩnh vực để xác định cách thức sử dụng ODA hiệu quả nhất với mô hình tăng trưởng phù hợp tương ứng. 

Hoàn thiện khung pháp lý cho cơ chế huy động nguồn lực mới

Cùng với việc giải bài toán sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, định hướng khả thi được các chuyên gia khuyến nghị là tăng cường huy động nguồn lực mới, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân thông qua hình thức đầu tư PPP. Tuy nhiên, để có đủ sức thu hút các nhà đầu tư tham gia hình thức này, theo ông Quang Anh, cần tạo ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn trong các dự án cho các nhà đầu tư tư nhân cũng như cơ chế phân bổ hợp lý rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Cùng với đó, việc hoàn thiện khung pháp lý cho hình thức đầu tư này, tăng năng lực điều tiết của Nhà nước và các cơ chế giải trình là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, theo dự báo, trong giai đoạn tới, các đối tác phát triển bắt đầu sử dụng nhiều hình thức hỗ trợ mới như hợp tác dựa trên quan hệ đối tác. Trong đó, các đối tác phát triển thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân ở Việt Nam. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần chuẩn bị cho giai đoạn sau 2015 thông qua việc xây dựng một môi trường hợp tác hiệu quả dựa trên mối quan hệ đối tác và đây có thể là nguồn lực mới để bù đắp cho nguồn vốn phát triển bền vững trong thời gian tới.