Không chỉ thu hút đầu tư có chọn lọc, trong bối cảnh hiện nay cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, toàn diện các dự án đầu tư. Ảnh: Tường Lâm |
5,08 tỷ USD đến từ vùng lãnh thổ Hồng Kông
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 5 tháng đầu năm 2019, trong số 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hồng Kông vươn lên dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,08 tỷ USD, vượt Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản... Góp phần đưa Hồng Kông lên vị trí này là Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội trị giá lên tới 3,85 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần lên tới gần 7,7 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn đăng ký mới của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 1,561 tỷ USD với 233 dự án, cao nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trung bình mỗi dự án có quy mô khoảng 6,69 triệu USD.
Như vậy, sau một thời gian dài duy trì vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, lượng vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt qua các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Ứng xử thế nào?
Ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) khẳng định, vốn FDI từ Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam là điều không quá bất ngờ.
Theo ông Thắng, từ năm 2018, giới quan sát và truyền thông đã nói nhiều về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu nói đến yếu tố bất thường, thì phải lấy mốc tăng từ năm 2014. Năm 2014 là năm đàm phán Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, nên các nhà đầu tư Trung Quốc tăng đầu tư vào các quốc gia ASEAN nhằm hưởng lợi từ hiệp định này.
Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng bùng nổ đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, là do tác động trực tiếp từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việt Nam được hưởng lợi khi các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn khỏi Trung Quốc.
Nguyên nhân sâu xa, theo ông Thắng, là do bản thân môi trường đầu tư của Trung Quốc đang bị yếu đi. Tăng trưởng giảm tốc, mức lương tại Trung Quốc tăng nhanh, cộng với những bất ổn bên ngoài tạo nên bất lợi cho Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam đang gia tăng lợi thế so sánh nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường lớn, do đó tăng sức hút đầu tư.
Theo ông Thắng, trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lâm nghiệp... vì nhìn vào lợi ích tài sản của công trình, dự án có vị trí chiến lược. Còn hiện nay, xu hướng đầu tư tận dụng lao động giá rẻ của các nhà đầu tư Trung Quốc đang nổi lên. Để hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam đã và sắp sửa ký kết cũng như tác động từ thương chiến Mỹ - Trung, các nhà đầu tư Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang những ngành sản xuất hàng hóa trung gian, hàng hóa đầu vào. Điều này có thể dẫn tới sự thiếu hụt về năng lượng, hay ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, bởi những ngành sản xuất này tiêu tốn nhiều năng lượng và phát thải ra môi trường cao hơn so với những ngành lắp ráp thông thường. Do đó, cần rà soát và thắt chặt các chính sách về môi trường.
“Hiện nay, chúng ta đang nhìn dòng đầu tư từ Trung Quốc theo kiểu đánh đồng với câu chuyện công nghệ thấp, phát thải nhiều, hành vi đầu tư không minh bạch như các doanh nghiệp lớn ở các quốc gia phát triển. Nhưng rõ ràng, hệ lụy đó là do cơ chế kiểm soát của phía Việt Nam”, ông Thắng chỉ rõ.
Hiện chúng ta mới chỉ kiểm soát được phần nước thải, chứ còn khí thải và những tác động khác thì chưa kiểm soát được một cách đầy đủ. Ông Thắng cho rằng, cơ chế kiểm soát vừa chặt vừa lỏng, theo nghĩa là mới chỉ kiểm soát đầu vào nhiều hơn, chủ yếu trong quá trình chuẩn bị lập dự án đầu tư (báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập hội đồng thẩm định công nghệ...). Tuy nhiên, đây chỉ là thẩm định trên giấy, quan trọng hơn là kiểm soát việc thực thi. Thực tế, doanh nghiệp có thực hiện theo đúng cam kết đó hay không, phát thải như thế nào... thì chúng ta lại chưa kiểm soát được.
“Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam là do tính toán riêng, ý chí chủ quan và sự lựa chọn riêng của nhà đầu tư. Chúng ta chỉ có thể tác động đến sự lựa chọn của họ bằng cách chọn nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống thực thi pháp luật”, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.