Tăng hiệu quả đầu tư công: Bắt đầu từ lập kế hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn, thách thức, để đạt những mục tiêu phát triển đã đề ra, đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách nhà nước có hạn, đòi hỏi Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cần được xây dựng một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả ngay từ khâu lập kế hoạch đến khâu triển khai thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ, giảm số lượng dự án, đặt mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 5.000 dự án. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ, giảm số lượng dự án, đặt mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 5.000 dự án. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 cho thấy, hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán dần được hạn chế, số lượng dự án mới giảm dần, tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án dở dang, tỷ lệ dự án hoàn thành trong giai đoạn là 7.354 dự án, bằng 66,2% tổng số dự án đã được giao kế hoạch. Tổng số dự án được giao trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 là 11.100 dự án (trong đó có 4.208 dự án mới), giảm một nửa so với giai đoạn 2011 - 2015.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, vẫn còn những điều đáng tiếc. “10 năm trước, nếu tập trung ngay nguồn lực làm đường cao tốc Bắc - Nam, kết quả đến nay đã rất khác”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ tại một cuộc làm việc với Bộ Giao thông vận tải về chuẩn bị xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là bài học kinh nghiệm, không thể lặp lại trong kế hoạch giai đoạn tới. Khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị cho xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liên tục nhấn mạnh đến việc bố trí vốn đầu tư công giai đoạn tới phải ra tấm ra món, không trải mành mành, đầu tư vào những công trình trọng điểm, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng quốc gia, có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa. Một trong những bài học kinh nghiệm, theo Bộ KH&ĐT, là đầu tư phải đúng, phải trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần tập trung nguồn lực cao độ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đã lựa chọn đúng.

Báo cáo Thủ tướng tại cuộc làm việc ngày 20/5/2021, Bộ KH&ĐT cho biết, tổng số dự án dự kiến bố trí vốn của cả nước trong giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục giảm khoảng một nửa, còn 6.447 dự án. Trong đó, 206 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, 57 nhiệm vụ quy hoạch, 2.880 dự án chuyển tiếp, 3.304 dự án khởi công mới, bằng 78,5% số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020. Vốn đầu tư bình quân đạt 154,8 tỷ đồng/dự án, cao gần gấp đôi của giai đoạn trước (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 88 tỷ đồng/dự án).

Sau cuộc làm việc này, ngày 23/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Thủ tướng yêu cầu phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh hơn nữa số lượng dự án, mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 5.000 dự án. Từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể lý do và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và việc tuân thủ các quy định pháp luật.

Sáng ngày 24/5, Thủ tướng tiếp tục làm việc với các bộ, ngành để cập nhật Kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Số liệu được Bộ KH&ĐT báo cáo là từ 6.447 dự án dự kiến trước đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cắt giảm còn khoảng 5.397 dự án. Ngay sau cuộc họp này, sẽ tiếp tục rà soát và số dự án có thể giảm còn khoảng 5.000. Bộ cũng đề xuất Chính phủ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền một số cơ chế, chính sách mới, đột phá nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn. Mục tiêu cụ thể đặt ra của kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Đến năm 2025, hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, với kế hoạch giảm mạnh về số lượng dự án để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cùng với những bài học kinh nghiệm được rút ra để tổ chức thực thi hiệu quả hơn, có thể kỳ vọng một diện mạo hạ tầng kinh tế thực sự đột phá sau 5 năm tới, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững trong trung, dài hạn.

Tin cùng chuyên mục