Tăng liều lượng hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng các chính sách này để doanh nghiệp có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn trong thời gian tới.
Đến giữa tháng 7/2020, ngành ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Đến giữa tháng 7/2020, ngành ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Các chính sách chưa đủ “thấm”

Tổng cục Thuế cho biết, đến ngày 30/7 - thời hạn cuối tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, cơ quan này đã tiếp nhận 179.247 giấy đề nghị gia hạn với số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 53.645 tỷ đồng, chỉ tương đương 29,8% con số ước tính của Tổng cục Thuế khi tính toán triển khai chính sách này.

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, số tiền gia hạn thấp là đương nhiên, bởi vì trong 6 tháng đầu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp chật vật vượt khó để tồn tại nên chưa thể có lợi nhuận để phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) khẳng định, các doanh nghiệp không có lãi thì lấy đâu ra thu nhập chịu thuế để gia hạn.

Còn về chính sách giảm lãi suất và gia hạn nợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số liệu mới nhất của cơ quan này cho biết, đến giữa tháng 7, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất ưu đãi đạt doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay hơn 1,17 triệu tỷ đồng, cho hơn 247 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, trong bối cảnh khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì ngân hàng cũng chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, tiềm ẩn nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhưng vẫn liên tục kiến nghị đến ngành ngân hàng, tạo áp lực cho hoạt động của các TCTD.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự linh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”, chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các TCTD trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới.

Thúc đẩy mạnh mẽ chính sách tài khóa và tiền tệ

Để tăng hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, cần kéo dài thời hạn áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ đến năm 2021, đặc biệt là nỗ lực giảm lãi suất, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp gắng gượng duy trì sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 dần được khống chế.

Đồng tình với quan điểm này, ông Mạc Quốc Anh khẳng định, việc kết hợp nhịp nhàng các giải pháp tài khóa và tiền tệ sẽ tạo tổng lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn.

Dự báo dịch Covid-19 có thể còn kéo dài và tác động của dịch vẫn khó lường, do đó, ông Quốc Anh cho rằng, cần tiếp tục gia hạn các giải pháp này đến hết năm 2021. Đồng thời, rà soát và phân nhóm doanh nghiệp theo mức độ ảnh hưởng để có các gói chính sách phù hợp. “Một trong những biện pháp phải nỗ lực thực hiện hơn nữa là cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác hỗ trợ, đặc biệt là rất hạn chế thanh kiểm tra để bớt gây phiền phức cho doanh nghiệp”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Thiện Thức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nam Cường, NHNN nên tiếp tục có biện pháp để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, tạo dư địa để giảm lãi vay cho doanh nghiệp, đồng thời áp dụng các chính sách gia hạn nợ trong thời gian dài hơn. Ngoài ra, Chính phủ nên giảm thuế giá trị gia tăng nhiều loại hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống 5%.

Trước bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, tác động bất lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần phải làm tốt hơn nữa chính sách tiền tệ, tài khóa, đó là tiếp tục nới lỏng có kiểm soát, thúc đẩy mạnh mẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển.

“Cộng đồng doanh nghiệp rất mừng khi biết được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa và tiền tệ, rất mong điều này sẽ nhanh chóng được thực hiện trong thời gian tới”, ông Quốc Anh nói.

Tin cùng chuyên mục