Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) đề xuất giao cho người có thẩm quyền quyết định tổng thời gian tối đa cho quá trình lựa chọn nhà thầu lĩnh vực y tế. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Hội thảo Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện do Sở Y tế TP. Hà Nội tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, lãnh đạo Bệnh viện thường phải dành tới 80% thời gian cho đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, thay vì tập trung cho chuyên môn.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, cán bộ phụ trách đấu thầu thuộc Sở Y tế Hậu Giang than thở, thông thường phải mất ít nhất 6 tháng để lựa chọn được nhà thầu. Điển hình là các gói thầu mua thuốc tập trung cấp quốc gia năm 2022, vì nhiều lý do, việc tổ chức LCNT phải mất gần 1 năm mới có thể hoàn thành… Điều này không chỉ ảnh hưởng tới người bệnh, bệnh viện, mà còn khiến các nhà cung ứng bị động trong việc lên kế hoạch sản xuất, đặt hàng, nhập khẩu… và tham dự thầu.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hành chính một cách tối đa trong quy trình đấu thầu của ngành y tế là một trong những yêu cầu mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra cho Luật Đấu thầu năm 2023 cũng như Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu 2023 đang được Bộ chủ trì phối hợp với Bộ Y tế xây dựng.
Một trong những điểm mới của Luật Đấu thầu năm 2023 là xác định rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Trước đây, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, gần như các nguồn vốn hợp pháp đều là khoản thu ngân sách nhà nước nên tất cả phải tổ chức đấu thầu. Hiện nay, theo Luật Đấu thầu năm 2023, chỉ khi có yêu cầu của nhà tài trợ, cơ sở y tế mới phải tổ chức LCNT sử dụng vốn tài trợ. Bên cạnh đó, giám đốc bệnh viện được quyền tự quyết việc mua sắm khi sử dụng nguồn vốn vay (không phải vốn ODA) hoặc vốn huy động từ cán bộ công nhân viên thuộc bệnh viện; mua thuốc bán lẻ trong khuôn viên bệnh viện, mua vắc xin không thuộc danh mục được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.
“Việc trao quyền như vậy nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt cho các cơ sở y tế, phù hợp với chủ trương tối đa hoá quyền tự chủ tài chính cho các bệnh viện công. Tuy nhiên, hoạt động mua sắm trong các trường hợp nêu trên phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản là công bằng, hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Để đảm bảo 4 nguyên tắc này, các bệnh viện nên ban hành quy chế mua sắm như một luật đấu thầu thu nhỏ cho đơn vị mình, giống như cách các doanh nghiệp nhà nước đã và đang làm (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...)”, ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu lưu ý.
Để tăng tính chủ động cho người có thẩm quyền mua sắm, linh hoạt về thời gian tổ chức LCNT, Dự thảo Nghị định đề xuất chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu có thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu, còn lại giao cho người có thẩm quyền quyết định tổng thời gian tối đa cho quá trình LCNT.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, một số giải pháp mới đang được đề xuất tại Dự thảo Nghị định nhằm tiết kiệm thời gian mua sắm như: đấu giá ngược, mua sắm trực tuyến (e-shopping)... trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Theo đó, quy trình đấu giá ngược được áp dụng với những gói thầu mua sắm hàng hoá, dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản, đã được tiêu chuẩn hóa; hoặc phải mua từ hãng sản xuất, đại lý của hãng sản xuất do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền với các trang thiết bị, máy móc, phần mềm, dịch vụ sẵn có, hoặc do các điều kiện bảo hành của nhà thầu, hãng sản xuất mà không thể mua được từ hãng sản xuất khác và có nhiều nhà thầu có khả năng cung cấp... Trong thời gian tối thiểu 3 ngày làm việc, nhà thầu có thể được chào giá nhiều lần với điều kiện mức giá không được cao hơn giá gói thầu và không được cao hơn giá nhà thầu chào trước đó. Hồ sơ mời thầu phải nêu rõ tiêu chuẩn đánh giá, nguyên tắc xếp hạng nhà thầu, trong đó định lượng được các yếu tố ngoài giá. Hệ thống sẽ tự động xếp hạng nhà thầu theo tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu, nhà thầu nào chào giá thấp nhất đầu tiên sẽ được lựa chọn trúng thầu.
Đối với e-shopping, cơ sở y tế có thể mua sắm trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của nhà thầu đã trúng thầu gói thầu mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; hoặc nằm trong một hạn mức nhất định... Đơn hàng đặt mua phải nêu rõ số lượng, khối lượng, phương thức vận chuyển (nếu có), phương thức thanh toán (nếu áp dụng), địa điểm giao hàng hoặc địa điểm thực hiện và các thông tin cần thiết khác. Nhà thầu đồng ý hay không đồng ý đều được Hệ thống phản hồi về cho đơn vị đặt mua.